Plogging là từ kết hợp giữa Jogging (đi bộ) và Picking up (nhặt rác). Với phong trào này, người tham gia cần nhặt rác dọc đường khi đi bộ. Plogging được khuyến khích tại nhiều quốc gia với thông điệp tích cực trong việc duy trì lối sống vận động lành mạnh, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Sự kiện nhằm kêu gọi mọi người hưởng ứng phong trào nhặt rác nhân Ngày hội nhặt rác thế giới (World Cleanup Day) để cùng chung tay làm sạch các tuyến đường đang bị ô nhiễm bởi rác thải trên địa bàn phường Phú Mỹ và Tân Phong, quận 7.
Tham gia chương trình có đại diện UBND quận 7, Đoàn thanh niên quận 7, RMIT Việt Nam và hơn 200 người dân sinh sống trên địa bàn cùng nhiều nhân viên, sinh viên của trường.
Bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó chủ tịch UBND quận 7 cho biết: “Cuộc thi đánh dấu bước phát triển mới trong phong trào bảo vệ môi trường của địa phương. Bằng những hoạt động cụ thể, có ý nghĩa thiết thực, hoạt động này giúp mỗi đoàn viên, thanh niên, sinh viên Đại học RMIT không ngừng nâng cao nhận thức và tích cực chủ động tham gia vào việc bảo vệ môi trường, duy trì lối sống xanh, góp phần xây dựng quận 7 có chất lượng sống tốt”.
Bà cũng tin tưởng rằng, “phong trào sẽ ngày càng đi vào cuộc sống thực chất và trở thành hành động đẹp, nếp sống thường xuyên của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội”.
Bà Olivia Wood, Giám đốc điều hành hoạt động, Khối Chiến lược và Vận hành, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết: “RMIT nỗ lực hành động để đi đầu trong lĩnh vực quản lý chất thải. Chúng tôi mong muốn việc quản lý rác thải bền vững mang lại kết quả thiết thực cho cộng đồng quận 7 và xã hội nói chung”.
Bà Wood chia sẻ: “Hy vọng rằng, mỗi hộ gia đình, mỗi cá nhân sẽ thực hành Plogging hàng ngày như một cách để thể hiện sự trách nhiệm và quan tâm của chúng ta tới môi trường”. Ông Mai Trọng Thắng, Bí thư quận đoàn 7, nhấn mạnh: “Đây là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức trên địa bàn thành phố, gắn vấn đề bảo vệ môi trường, phân loại rác với ý thức rèn luyện thể dục thể thao. Hoạt động này không chỉ góp phần tuyên truyền ý thức cho người dân, đặc biệt là người trẻ, về sống xanh, sống sạch, bảo vệ môi trường trên địa bàn quận 7 mà còn có thể trở thành một trào lưu mới
được lan tỏa rộng rãi hơn nữa ở TP. Hồ Chí Minh cũng như toàn quốc”.
Tham gia sự kiện “Plogging 2023 - Cuộc đua đi bộ nhặt rác”, các đội đã nhặt rác trên cung đường đua trong vòng 1,5 giờ. Rác thải nhựa được phân thành hai loại: nhựa sạch (không dính bẩn, chứa nước, đồ ăn thừa) và nhựa còn lại. Kết quả tính dựa trên tổng khối lượng của lượng nhựa nhặt được và tỉ lệ phân loại đúng giữa rác nhựa sạch và rác nhựa bẩn. Tổng số rác thải nhựa thu lại được là 364,6kg, trong đó có 10kg nhựa sạch.
Đối với nhóm rác nhựa sạch, BTC chuyển cho đơn vị tái chế rác thải nhựa thành loại vật liệu hữu ích dùng làm bàn, ghế, thùng rác, mái che và thậm chí là xây nhà. Trong khi đó, trước đây, khi chỉ gom
chung một loại, toàn bộ rác sẽ được đưa đến các bãi chôn lấp, mất ít nhất 450 năm và có thể đến cả nghìn năm để các loại bao bì, ly nhựa, hộp xốp dùng một lần phân hủy được.
Sự kiện đã cung cấp thông tin đa chiều về giảm thiểu nhựa dùng một lần, phân loại rác “nhựa sạch” và tái chế nhựa, nhằm thúc đẩy người tham gia hưởng ứng và chung tay hành động để tăng cường tái chế, giảm tác động xấu đến môi trường. Từ đó, cuộc đua góp phần hình thành nên lối sống bền vững, bảo vệ sức khỏe, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Bạn Phạm Thị Ngọc Trang, sinh viên Đại học RMIT chia sẻ: “Tôi thấy đây là một sự kiện rất có ý nghĩa, nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của việc phân loại rác và tăng cường tái chế rác. Bên cạnh đó, mọi người cũng sẽ nhìn thấy được tác hại của việc sử dụng nhựa một lần và ảnh hưởng của nó đến môi trường sống”.
“Tôi mong rằng, việc phân loại rác sẽ được thực hành nhiều hơn nữa và trở thành thói quen trong cuộc sống, để giảm gánh nặng cho hệ thống thu gom rác đang dần trở nên quá tải, tạo ra nhiều tài nguyên mới và hướng đến một lối sống bền vững hơn”, bạn Trang nhận định.