Lan tỏa nhiều chương trình chung tay nhặt rác, làm sạch các bãi biển ở Đà Nẵng

Gia Hân|14/09/2023 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thời gian qua, lượng rác thải bị vứt xuống biển ngày càng nhiều, tác động xấu đến hệ sinh thái và môi trường biển, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cùng nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ những người yêu biển đã chung tay triển khai các hoạt động thu dọn rác, bảo vệ các rạn san hô.

Ông Phan Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (Ban quản lý) cho biết, bán đảo Sơn Trà có các rạn san hô rất đẹp và đa dạng, tuy nhiên, do ý thức của một bộ phận người dân và du khách cũng như việc phát triển du lịch tự phát đã tác động không nhỏ đến môi trường biển của thành phố.

Hằng năm, Ban quản lý thực hiện công tác duy tu, thả và thu phao, dọn vệ sinh tại các khu vực được giao quản lý bảo vệ rạn san hô; phối hợp với lực lượng biên phòng (Trạm Biên phòng Công trình 15) tuần tra, nhắc nhở các trường hợp vi phạm ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển. Đặc biệt, thông qua các chương trình được tổ chức vào cao điểm từ tháng 3 đến tháng 9, Ban quản lý đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều đơn vị liên quan và các tình nguyện viên thuộc hội, nhóm như Sasa Team, CLB Sup Đà Nẵng, Da Nang Free Diving trong việc làm sạch khu vực có san hô trước tác động của rác thải bao nilong, vỏ chai nhựa, ngư, lưới cụ… Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý triển khai một số chương trình như “Clean up Son Tra - Vì một Sơn Trà xanh”, “Underwater Cleanup - Làm sạch đáy biển” tại Hòn Sụp nhằm kêu gọi thu dọn rác, cải tạo môi trường sống cho san hô và các loài thủy hải sản. Giữa tháng 8 vừa qua, Ban quản lý cũng phối hợp với hơn 30 tình nguyện viên đến từ nhóm Da Nang Free Diving tổ chức hoạt động dọn vệ sinh san hô với tên gọi “Clean Up Sơn Trà - Giải cứu san hô”, thu gom hơn 200kg lưới “ma” cùng các loại rác thải khác tại khu vực Bãi Nam - bán đảo Sơn Trà.

nhat-rac.jpg
Rác được tập kết tại một điểm để các công nhân môi trường mang đi tiêu hủy

Là người rất tích cực tham gia hoạt động lặn biển nhặt rác nhiều năm nay, anh Đào Đặng Công Trung (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) chia sẻ anh cùng vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Trà My (quận Sơn Trà) thành lập nhóm Đà Nẵng Free Diving hồi tháng 6/2023. Các thành viên của nhóm đều là những người có chuyên môn bơi lặn và mong muốn đem những kỹ năng của mình để làm sạch biển, bảo vệ các rạn san hô ở vùng biển của thành phố. Mỗi khi xuống biển, các thành viên nhóm Đà Nẵng Free Diving được nhóm trưởng phân công, hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ công việc. Với hơn 10 năm kinh nghiệm lặn biển nên anh Trung luôn cẩn trọng dặn dò các thành viên nhất định không được làm ảnh hưởng đến san hô khi nhặt rác. Trong quá trình đưa rác thải lên bờ, anh và mọi người chú ý gỡ lưới và dây thừng mắc vào rạn san hô, sau đó chuyển lên cho nhân viên Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đưa về nơi tập kết để xử lý. Thời gian qua, nhóm Đà Nẵng Free Diving đã thu gom một lượng lớn rác thải biển gây hại cho môi trường.

Còn anh Lê Chiến (người sáng lập Trung tâm cứu hộ sinh vật biển, Trưởng Sa Sa Team) nhìn nhận, Đà Nẵng có rạn san hô ở bãi Nam, bãi Nồm rất đẹp và đa dạng không kém những khu vực khác như Nha Trang (Khánh Hòa) hay Cù Lao Chàm (Quảng Nam), nhưng hiện nay các rạn san hô này đang bị thoái hóa nghiêm trọng mà đa phần là do thực trạng rác thải nhựa cũng như việc khai thác du lịch trái phép ở địa phương. Từ năm 2019 đến nay, dù chỉ với 9 thành viên nhưng SaSa Team vẫn hằng ngày tham gia việc gầy dựng, tái tạo hơn 80.000m2 san hô từ vườn ươm tại chỗ để bù đắp lại vùng san hô bị gãy trước đây bằng kinh phí độc lập của nhóm.

“San hô là bức tranh đẹp do thiên nhiên ban tặng nên rất cần được bảo vệ. Đà Nẵng là thành phố du lịch nên chúng tôi mong muốn chính quyền làm tốt hơn nữa về công tác quản lý môi trường biển; đối với những khu vực có san hô cần được quy hoạch và bảo tồn để phát triển bền vững”, anh Chiến bày tỏ.

Theo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, thời gian gần đây, sự hưởng ứng cùng chung tay của các cá nhân, hội, nhóm... đã giúp công tác bảo vệ môi trường biển cải thiện rất nhiều so với với những năm trước. “Thông qua các chương trình cộng đồng được triển khai sẽ góp phần tuyên truyền về sự quý trọng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên mà thành phố đang có; đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân, ngư dân, hộ kinh doanh không xả rác thải xuống biển. Bởi vì có kêu gọi tích cực dọn rác bao nhiêu đi nữa mà việc xả rác cứ diễn ra thường xuyên thì rất khó để hoạt động công ích duy trì hiệu quả. Do đó, chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng và các địa phương phối hợp tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ biển và xử lý các hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường biển”, ông Phan Minh Hải nhấn mạnh.

Bài liên quan
  • Đà Nẵng học tập kinh nghiệm quản lý chất thải rắn tại thành phố Yokohama
    Mới đây, tại thành phố Yokohama (Nhật Bản) diễn ra khóa tập huấn về quản lý chất thải rắn cho đại diện các đơn vị, địa phương thực hiện dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa nhiều chương trình chung tay nhặt rác, làm sạch các bãi biển ở Đà Nẵng