Huyết tương của bệnh nhân ở giai đoạn phục hồi là lựa chọn điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết Argentina. Những năm gần đây, liệu pháp này cũng được sử dụng để điều tị cho bệnh nhân mắc Ebola, SARS, MERS và cúm H1N1. Tuy nhiên, không phải tất cả các thử nghiệm lâm sàng này đều cho những kết quả khả quan. Trong cuộc chiến chống virus Ebola, việc sử dụng huyết tương từ người khỏi bệnh lại không cho thấy hiệu quả.
Đối với dịch COVID-19, kinh nghiệm về việc sử dụng giải pháp điều trị này vẫn còn hạn chế, song những kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy giải pháp tiềm năng. Phương pháp này cũng đang được nghiên cứu như một cách thức để ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2, khi các kháng thể được chiết xuất từ huyết tương người khỏi bệnh có thể được truyền sang để nâng cao hệ miễn dịch của những người dễ bị tổn thương.
Ảnh minh họa
Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo EU đang thúc đẩy phát triển 24 dự án liên quan tới việc thu thập huyết tương của những người được chữa khỏi bệnh COVID-19.
Số huyết tương này được sử dụng để phục vụ cho công tác nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Công tác nghiên cứu này được cơ chế Công cụ Hỗ trợ Khẩn cấp của EU (ESI) tài trợ với tổng chi phí lên tới 36 triệu euro. Các dự án sẽ được thực hiện tại 14 quốc gia thành viên EU và tại Vương quốc Anh.
Cao ủy châu Âu về Y tế Stella Kyriakides khẳng định EU sẽ làm mọi thứ có thể để người dân được điều trị COVID-19 một cách hiệu quả và an toàn.
Nhằm ngăn chặn đà lây nhiễm dịch bệnh, các quốc gia thành viên EU đang tăng cường chiến dịch tiêm phòng đồng thời siết chặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, đặc biệt là đối phó với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh.
Thái An