Gặp nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm an toàn vệ sinh lao động

Thanh Thủy|22/05/2017 23:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thống kê từ Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cơ quan quản lý mới nhận được 202 biên bản điều tra trên tổng số gần 8.000 vụ tai nạn lao động xảy ra từ đầu năm 2016 đến nay, trong đó hơn 40% vụ có trách nhiệm của người sử dụng lao động. Cũng theo thống kê này có hơn 90% doanh nghiệp không thực hiện báo cáo tình hình tai nạn lao động… Vi phạm an toàn, vệ sinh lao động diễn ra phổ biến nhưng mới chỉ có hơn 1.300 quyết định xử phạt trong lĩnh vực này được ban hành (từ năm 2013 đến nay); Trung bình mỗi năm chỉ có 0,22% doanh nghiệp trên cả nước được thanh tra pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động… Những con số này cho thấy công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

(Moitruong.net.vn) – Cần có chế tài xử phạt tương xứng với mức độ vi phạm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn chính sách.

vệ sinh

Cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh lao động

Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH, các hành vi vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động phổ biến là: Không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, không kiểm tra định kỳ về kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt, không xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, không trang bị phương tiện bảo hộ lao động; không khai báo khi xảy ra tai nạn lao động… Nguyên nhân là do việc chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động chưa được lãnh đạo các ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Nhận thức của người sử dụng lao động về vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp còn hạn chế. Nhiều lao động chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp…

Một khó khăn đáng kể khác là do nguồn kinh phí dành cho việc quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp rất hạn hẹp. Hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước chưa bố trí được nguồn ngân sách cho lĩnh vực này theo Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 5/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 – 2020.

Cần chế tài pháp lý mạnh

Cần có chế tài xử phạt tương xứng với mức độ vi phạm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn chính sách. Đồng thời xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động một cách kịp thời, đầy đủ; Bổ sung các chế tài với hành vi vi phạm mới nhằm bảo đảm tính tuân thủ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; Tăng cường biên chế cho hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm an toàn, vệ sinh lao động; Tăng thẩm quyền xử phạt cho người có thẩm quyền so với quy định hiện hành.

Cần có sự vào cuộc sát sao, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cấp, các ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, nhất là những đơn vị, cá nhân sử dụng người lao động để xảy ra tai nạn lao động. Quan trọng hơn cả, các cơ quan chức năng cần xây dựng chiến lược phòng ngừa hiệu quả tai nạn lao động, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động.

Thanh Thủy 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm an toàn vệ sinh lao động