Gia Lai: Nhà máy tinh bột sắn “đầu độc” môi trường, 20 ha lúa mất trắng

Theo Báo Giao thông|02/12/2017 03:44
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Sau khi nhà máy tinh bột sắn huyện La Pa (Gia Lai) xả nước thải ra cánh đồng, ít nhất 20ha lúa của cánh đồng Chư Gu (xã Pờ Tó) bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Hệ sinh thái trên cánh đồng Chư Gu xã Pờ Tó (La Pa, Gia Lai) bị đầu độc bởi nước xả thải của nhà máy tinh bột sắn

Trưa 30/11, cánh đồng Chư Gu của xã Pờ Tó (La Pa) mặc dù gió rất lớn nhưng không thể át hết mùi hôi thối từ nguồn nước thải của nhà máy tinh bột sắn La Pa ra giữa cánh đồng. Nguồn nước trên cánh đồng bị đầu độc khiến 21 ha lúa của người dân bị ảnh hưởng.

Quan sát của PV tại hiện trường, hàng chục ha ruộng của người nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng như: lúa vừa sạ đã chết, cây độ tuổi trổ đồng thì không phát triển được nữa. Trên mặt ruộng (ruộng vừa được cày bừa) nước thải đọng lại lớp tảo màu xanh đen cùng lớp lớp xác của cua, ốc. Nhiều vị trí nước thải còn đọng lại màu đen kịt, sủi bọt, bốc lên mùi thối nồng nặc.

Liên quan tới việc xả thải này, người dân còn dẫn chúng tôi đến khu vực xả thải của nhà máy tinh bột sắn của nhà máy tại trạm bơm nước từ suối Pờ Yầu.

Tại đây, theo quan sát của PV cho thấy, nước liên tục chảy từ ống xả ra trạm bơm có màu đục, sủi bọt và bốc mùi thối. Theo người dân, con suối Pờ Yầu này chảy qua nhiều xã của huyện Ia Pa trước khi đổ vào dòng sông Ba. Lưu vực dòng suối, người dân vùng thiểu số của các xã thường ha đào cát lấy nước đem về nhà để ăn uống.

Theo chỉ dẫn của người dân canh tác tại cánh đồng Chư Gu, tại đây có 3 vị trí “cống thông hơi” của đường ống xả thải của nhà máy tinh bột sắn Ia Pa. Ông Lê Văn Kiên (sinh năm 1977, trú tại làng K’ Liếc B, xã Pờ Tó) cho biết, nhiều ngày trước, khi nhà máy xả thải, tại các vị trí cống này đã tràn nước bẩn tràn lan ra cánh đồng. Thứ nước mới xả ra mùi thối rất nồng nặc, nước màu đen và sủi bọt trắng. Ai lội ruộng đều bị ngứa rất khó chịu. Lúa non bị thứ nước này nên chết hoặc không thể phát triển nổi”, ông Kiên cho hay.

“Nhà tôi có 3 ha lúa tại cánh đồng này. Khoảng 20 ngày trước, gia đình tôi sạ 2 ha, thì nước thải của nhà máy tinh bột sắn xả ra nên chết gần hết. Lúa non vừa lên, gặp dòng nước bẩn nên bị thối rễ mà chết. Tôi đã làm đơn gửi UBND xã Pờ Tó nhờ can thiệp giải quyết. Cái mà tôi đáng lo nhất là bây giờ cái thứ nước này nó ngấm vào đất khiến cua ốc gì cũng chết hết thì không biết phải làm thế nào? Nó ảnh hưởng lâu dài ra sao…”, ông Kiên lo lắng.

Cạnh ruộng nhà ông Kiên là của gia đình ông Phạm Văn Quyết (sinh năm 1964, trú tại làng K’ Liếc A) cũng cảnh tượng tương tự. Ông Quyết cho biết, nhà tôi có tổng là 3 ha, trong đó 1,7 ha sạ được khoảng 2 tháng. “Lúa bắt đầu độ chuẩn bị đồng đồng thì gặp nguồn nước bẩn nên không phát triển được nữa. Nhổ cây lúa lên thì rễ đen bốc mùi thối. “Bây giờ tôi chỉ mong muốn làm sao để cho dân yên ổn làm ăn. Chứ vụ này coi như không canh tác được. Rồi còn nay, còn mai thì làm sao để mà canh tác?”, ông Quyết nói.

Quyết không đánh đổi

“Chủ trương của huyện là kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế ở địa phương, nhưng không vì thế mà đánh đổi môi trường”. Ông Huỳnh Vĩnh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện La Pa

Cũng trong chiều ngày 30/11, trao đổi với Báo Giao thông, Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Tó ông Lê Văn Niên cho biết, đã tiếp nhận đơn yêu cầu chính quyền can thiệp của các hộ gia đình có ruộng bị ảnh hưởng bởi nước thải của nhà máy tinh bột sắn.

“Xã đã cử cán bộ xác minh diện tích ruộng của nông dân bị ảnh hưởng. Tổng diện tích tổng hợp ban đầu là 21 ha ruộng lúa, đồng thời yêu cầu nhà máy nghiêm túc xử lý vấn đề xả thải và có hướng giải quyết hỗ trợ cho nông dân”.

Cùng ngày, PV có buổi làm việc với ông Huỳnh Vĩnh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa. Sau khi nghe PV trình bày sự việc cũng như chứng kiến hiện trường, ông Hương trực tiếp điện thoại với UBND xã Pờ Tó để nắm sự việc. Ông Hương yêu cầu xã báo cáo về vụ việc đồng thời yêu cầu lấy mẫu nước để kiểm nghiệm.

“Nếu sự việc ngoài tầm xử lý của UBND huyện, chúng tôi sẽ báo cáo lên UBND tỉnh và các cơ quan chức năng để xét nghiệm mẫu nước cũng như đưa ra hướng xử lý thích hợp. Về mặt ảnh hưởng lâu dài và hệ sinh thái của khu vực thì chúng tôi sẽ xem xét và kiên quyết không để tình trạng này tái diễn, đồng thời yêu cầu nhà máy mỳ phải ngưng xả thải cho đến khi xử lý được các chất thải, và đền bù, hỗ trợ cho bà con canh tác trên phần đất đã bị nhiễm chất thải.

Chủ trương của huyện là thu hút đầu tư và ủng hộ các nhà máy giúp bà con nông dân. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của huyện vẫn là bảo vệ môi trường, không gây ảnh hưởng đến đời sống cũng như sản xuất của bà con. Khi đưa vào hoạt động, nhà máy sắn cũng đã cam kết sẽ đảm bảo an toàn về mặt chất thải, xử lý và không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường”, ông Hương nói và cho biết sẽ thông tin thêm cho PV sau khi xử lý ở cấp địa phương.

Theo Báo Giao thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Nhà máy tinh bột sắn “đầu độc” môi trường, 20 ha lúa mất trắng