Gia Lai: Phòng, chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ

Tuấn Kiệt|11/03/2023 07:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhóm hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng cùng với lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra rừng, theo dõi và đốt trước có điều khiển thực bì để ngăn chặn cháy rừng từ xa.

Khu vực Tây Nguyên trong đó có Gia Lai đang bước vào mùa khô, nắng nóng kéo dài suốt thời gian qua đã khiến cho hàng chục ngàn ha rừng tại tỉnh Gia Lai đứng trước nguy cơ xảy ra cháy cao. 

Hiện, tỉnh Gia Lai có gần 290 vùng trọng điểm cháy với tổng diện tích trên 124.000ha, trong đó hơn 104.000ha rừng tự nhiên và gần 20.000ha rừng trồng.

Để ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra cháy rừng, lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai đã phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng trên địa bàn chủ động phòng, chống cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ."

phong-chong-chay-rung.jpg
Ảnh minh họa

Phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ"

Cộng đồng thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ nhận khoán quản lý, bảo vệ gần 260 ha rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê. Những ngày tháng 3, nắng nóng kéo dài khiến những cánh rừng tại đây có nhiều cỏ khô, lau sậy dễ gây nên cháy rừng. Để chủ động phòng ngừa, xã Hà Tam đã thành lập các tổ quản lý, bố trí nhiều chốt chặn tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Đặc biệt, đơn vị lên phương án tiến hành đốt trước có kiểm soát nhiều ha tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy.

Ông Phạm Đông Mạnh, thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ, hộ nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho biết: “Các tổ từ 2-3 người tuần tra kiểm soát 24/24, khi có sự cố xảy ra chúng tôi sẽ báo lại cho ban quản lý rừng Bắc An Khê biết và huy động tất cả quân số xử lý với phương châm 4 tại chỗ gồm, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chúng tôi làm chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng để xử lý các sự cố xảy ra”.

Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê (huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai) đang quản lý hơn 10.000 ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm 3.600 ha, rừng trồng khoảng 1.000 ha. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã củng cố lại Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng cũng như củng cố lại 4 tổ đội cộng đồng vừa nhận khoán, vừa là lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Lê Thái Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, cử cán bộ trực cùng các tổ nhận khoán thường xuyên ứng trực tại các chốt trọng điểm cháy nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các điểm cháy xảy ra. Đồng thời, thành lập các tổ, đội phòng chống cháy rừng với lực lượng lên tới hàng trăm người. Đơn vị cũng triển khai các giải pháp kỹ thuật như đốt thực bì có điều khiển, làm hệ thống đường ranh cản lửa đối với những diện tích rừng có nguy cơ cháy cao.

“Đơn vị cũng tăng cường kiểm tra, trực với các tổ nhận khoán, phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phối hợp khi có cháy rừng xảy ra thì cũng sẽ huy động lực lượng kịp thời. Bên cạnh đó, UBND tỉnh và các sở ngành có quan tâm và tạo điều kiện cho thực hiện các chương trình đốt trước như đốt trước có điều khiển để hạn chế được việc xảy ra cháy rừng, hạn chế thấp nhất việc cháy rừng xảy ra trong mùa cao điểm”.

Huyện Đăk Pơ hiện đang quản lý gần 24.000 ha rừng, trong đó có hơn 19.000 ha rừng tự nhiên. Ông Đào Duy Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Pơ cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng chống cháy rừng và kiện toàn các ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện, xã; tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân, kiểm tra các đơn vị chủ rừng, UBND các xã để công tác phòng cháy rừng đạt hiệu quả cao.

“Từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ cháy rừng nào, tuy nhiên, hạt kiểm lâm cũng không lơ là, chủ quan trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Thường xuyên chỉ đạo cán bộ công chức phối hợp với UBND các xã, các đơn vị chủ rừng tăng cường tuyên truyền, thực hiện tốt theo phương châm 4 tại chỗ, để nếu có xảy ra cháy rừng thì kịp thời dập không để cháy lan, đặc biệt là tăng cường trực những nơi có nguy cơ cháy rừng cao”, ông Đào Duy Tuấn nói.

Nhóm hộ ông Phạm Đăng Ngọc đang nhận khoán quản lý, bảo vệ 250ha rừng thuộc khu vực rừng phòng hộ Mang Yang, một trong những điểm nguy cơ cao xảy ra cháy. Do đó, thời điểm này, ngoài công tác chăm sóc, bảo vệ, nhóm hộ của ông Ngọc còn thường xuyên kết hợp cùng lực lượng chức năng vào rừng tuần tra theo dõi và đốt trước có điều khiển thực bì để ngăn chặn cháy rừng từ xa.

Ngoài ra, nhóm hộ của ông Ngọc còn chủ động tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá rừng, đốt nương làm nương rẫy gần khu vực bìa rừng…

Ông Ngọc chia sẻ, ngay khi tiếp nhận nhiệm vụ khoán, bảo vệ rừng, mọi người đã thành lập tổ, nhóm thay nhau vào rừng để kiểm tra và canh lửa rừng trong mùa khô hanh. Ngoài ra, còn phối hợp cùng với lực lượng của Ban Quản lý rừng phòng hộ thường xuyên đi kiểm tra đường ranh cản lửa đã làm, nếu phát hiện có lá cây rụng vào thì tiếp tục cào và đốt để phòng ngừa cháy rừng xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang cho biết, thời điểm này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang đang huy động toàn bộ lực lượng tuần tra dịp cao điểm mùa khô tháng Ba này; cùng với đó, tổ chức cho các hộ nhận khoán, bà con dân làng ký cam kết an toàn lửa rừng, không để lửa cháy lan vào rừng. Tích cực triển khai các công trình lâm sinh, đốt trước có điều khiển làm giảm vật liệu cháy tránh nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Huyện Mang Yang hiện có hơn 47.000ha rừng, trong đó, hơn 40.000ha rừng tự nhiên và trên 7.400ha rừng trồng. Qua xác định, toàn huyện có hơn 6.000ha rừng chủ yếu là rừng tự nhiên thuộc 6 vùng trọng điểm cháy đó là Ayun, H’Ra, Đăk DJrăng, Đê Ar, Đăk Trôi, Kon Chiêng.

Ngay từ đầu mùa khô, huyện Mang Yang đã chỉ đạo kiện toàn, củng cố lại Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành của tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật Lâm nghiệp; bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin cháy rừng từ cơ sở, từ đó kịp thời xử lý những tình huống xấu xảy ra.

Ông Trần Tất Đắc, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mang Yang cho biết thêm, để chủ động phòng ngừa cháy rừng, ngay từ đầu mùa khô, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã, theo đó đã thành lập các tổ, đội phòng, chống cháy rừng với phương châm 4 tại chỗ.

Bên cạnh đó, phương án phối hợp với các lực lượng vũ trang, quân đội đứng chân trên địa bàn cũng đã sẵn sàng được triển khai hiệp đồng chặt chẽ khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra, Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng huyện Mang Yang cùng các lực lượng chức năng trên địa bàn đã tổ chức đi kiểm tra, nhắc nhở 12 xã, thị trấn và 4 công ty, Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn cam kết chủ động sẵn sàng chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

226.000ha rừng đang có nguy cơ xảy ra cháy

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có trên 226.000ha rừng đang có nguy cơ xảy ra cháy, tuy nhiên, trong số này mới chỉ có hơn 117.000 ha được đầu tư các hạng mục phòng cháy, chữa cháy rừng.

Vì thế, công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối mùa khô luôn được các lực lượng chức năng nỗ lực thực hiện để ứng phó trước mọi tình huống có thể xảy ra.

Ông Trương Văn Nam, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai nhận định, thời tiết khô hanh kéo dài như hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn song các đơn vị đang nỗ lực huy động quân số túc trực 24/24; cùng với đó đã triển khai hoàn thành 250km đường băng cản lửa, phát đốt có điều khiển 700ha để giảm thiểu thực bì khô, vật liệu dễ cháy, hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn kết hợp với các tổ nhận khoán bảo vệ rừng tích cực phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và thông báo các điểm cháy đến số điện thoại của từng cán bộ kiểm lâm địa bàn, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách để khi có chớm các điểm cháy là phát hiện dập tắt ngay.

Qua thực tế cho thấy, nhờ chủ động triển khai tốt các phương án phòng, chống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ," cùng các biện pháp chăm sóc, bảo vệ rừng, từ đầu năm đến nay tỉnh Gia Lai chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Phòng, chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ