Công ty CP nước mặt sông Đuống vừa có thông báo tới các đơn vị bán nước sạch về việc điều chỉnh giá. Theo đó, lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch tăng từ 5.059 đồng/m3 lên mức 8.326 đồng/m3 vào năm 2023. Lộ trình tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 năm 2024.
Hiện giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt ở Hà Nội đang áp dụng theo Quyết định 38 ngày 19/9/2013 theo giá lũy tiến. Theo đó, với 10m3 đầu tiên giá bán 5.973 đồng/m3 và tối đa 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30m3 (áp dụng từ 1/10/2015). Một số đơn vị bán buôn nước sạch cho rằng, nếu tính đúng, đủ, giá bán lẻ phải là 7.700 đồng/m3. Với mức 5.973 đồng/m3 chưa bao gồm chi phí đầu tư, doanh nghiệp sẽ lỗ.
Với việc điều chỉnh giá bán buôn nước sạch từ Công ty CP nước mặt sông Đuống, buộc các doanh nghiệp bán nước mua từ Nhà máy nước mặt sông Đuống cho người dân sẽ phải điều chỉnh.
Nhận định về những tồn tại trong việc sản xuất, phân phối nước sạch hiện nay, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho rằng đang có một nghịch lý, nếu không điều chỉnh giá nước, doanh nghiệp không đủ chi phí, nhưng nếu giá quá cao thì người dân không tiếp cận được nguồn nước sạch.
Theo đó, hiện nay giá nước sạch được điều tiết bởi Nhà nước. Cụ thể, Bộ Tài chính quy định khung giá, phương thức tính giá, lợi nhuận định mức trên cả nước, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt giá nước sạch tại địa phương mình nhưng không vượt quá khung giá do Bộ Tài chính quy định. Như vậy, giá nước ở các địa phương là khác nhau.
Tuy nhiên, theo ông Đồng trên thị trường, vai trò điều tiết, quản lý nhà nước cũng bị phân mảnh. Việc quá nhiều đầu mối khiến các việc lập dự toán đầu tư mới của các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp khó khăn.
Hà Nội hiện có 6 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch chính, bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco); Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn Tây; Nhà máy nước mặt sông Đuống; Nhà máy nước Hà Nam.