Giải pháp chống sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long

Thùy Minh (T/h)|24/08/2019 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn biến ngày càng phức tạp ở dọc theo các tuyến sông xảy ra 564 điểm sạt lở.

Ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, trong đó tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là sạt lở dọc theo các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Bình Di… gây thiệt hại lớn, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân trong vùng sạt lở. Những tháng đầu năm 2019, đã xảy ra nhiều điểm sạt lở và mức độ nghiêm trọng, cụ thể đã xảy ra 17 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài sạt lở 1.294m, ảnh hưởng đến 78 căn nhà phải di dời khẩn cấp.

Gần đây nhất là tình trạng sạt lở bờ sông Hậu trên Quốc lộ 91 (đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) tuyến đường độc đạo từ TP Long Xuyên đi TP Châu Đốc (An Giang) qua khu vực biên giới Campuchia. Theo đó vào rạng sáng 20/8; mặt đường Quốc lộ 91 tại vị trí sạt lở ăn sâu nhất chỉ còn lại khoảng 1mét. Trước đó, từ ngày 27/7, tại địa điểm này đã xảy ra vết nứt đến rạng sáng 1/8, thì bắt đầu xảy ra sạt lở với chiều dài 85 m, ăn sâu vào 1/2 mặt đường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, đoạn sạt lở xảy ra trên Quốc lộ 91 là một trong 51 điểm có nguy cơ bị sạt lở trên địa bàn tỉnh An Giang nằm trong danh sách theo dõi hàng năm của các cơ quan chuyên môn của tỉnh.

Không riêng gì Quốc lộ 91 ngay Quốc lộ 80 kết nối giao thông các tỉnh thành trong vùng với Kiên Giang cũng đối mặt với sạt lở.

Thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay thành phố đã xảy ra 20 điểm sạt lở, với tổng chiều dài hơn 400m, gây ảnh hưởng và làm sụp hàng chục căn nhà; ước thiệt hại tài sản gần 15 tỷ đồng. Toàn thành phố có khoảng 200 điểm sạt lở, trong đó 50 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm.

Vụ sạt lở nghiêm trọng ở An Giang.

Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian qua để ứng phó với tình trạng sạt lở, các địa phương chủ yếu sử dụng biện pháp công trình như xây dựng bờ kè, đắp rọ đá, bao cát… Như trường hợp ở tỉnh An Giang vừa qua sau khi xảy ra sạt lở, địa phương có biểu hiện lúng túng trong cách xử lý, sau khi An Giang đã chi 25 tỉ đồng đắp cát tại điểm sạt lở này, không đầy 2 tuần hầu như toàn bộ số cát này đã bị trôi xuống sông.

PGS.TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu – Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, phương án đắp bao cát tạm thời như vậy là không hiệu quả, trước sau cũng bị đổ sông đổ biển, thực tế là như vậy. PGS.TS. Lê Anh Tuấn lý giải: “Điểm sạt lở này là chỗ yếu nhất của lòng sông, thường xuyên xảy ra sạt lở, nước lại đang đạp vào vị trí này mà lại thả cát vào đó lại tiếp tục làm mất ổn định ở khu vực này. Sức mạnh dòng nước đang dồn vào khu vực này nếu anh chặn cát lại thì nó sẽ trượt qua chỗ khác tiếp tục sạt lở chỗ khác…”- PGS.TS Lê Anh Tuấn lý giải.

Theo nhận định của PGS.TS Lê Anh Tuấn: Thời gian qua tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng, các điểm sạt lở nhiều hơn các điểm bồi. Nguyên nhân chính là phù sa đi tới vùng ĐBSCL càng ngày càng bị suy giảm do các đập thuỷ điện ngăn chặn dòng nước, tương lai các nước xây thêm các đập thuỷ điện khác vùng ĐBSCL càng bị tổn thương hơn nữa.

Chia sẻ thêm về giải pháp ứng phó với sạt lở, ThS Nguyễn Hữu Thiện-chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng: “Trước mắt cần thực hiện 3 nhóm giải pháp để hạn chế thiệt hại tài sản, tính mạng người dân gồm: Chỉ xây dựng công trình bảo vệ ở những nơi xung yếu như thành phố, những nơi tập trung dân cư cần phải tuyệt đối bảo vệ; đối với những vùng ven sông ở nông thôn, thưa dân cư thì cần chủ động di dời người dân khỏi những nơi có nguy cơ cao; quản lý, quy hoạch khai thác cát theo tinh thần liên kết vùng, liên tỉnh vì khai thác cát ở một nơi sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông ở phía dưới và toàn bộ bờ biển”.

Mới đây, ngày 21/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có buổi làm việc với tỉnh An Giang về tình hình thiên tai, sạt lở. Tại đây Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn với bà con tỉnh An Giang về những thiệt hại phải gánh chịu bởi những vụ sạt lở trong thời gian qua. Đối với điểm sạt lở Quốc lộ 91, sau khi khảo sát và nghe báo cáo từ địa phương, Phó Thủ tướng nhận thấy mức độ sạt lở nghiêm trọng, khả năng tiếp tục sạt lở, đồng thời yêu cầu địa phương cần có giải pháp xử lý căn cơ tránh đe dọa tài sản, tính mạng người dân…

Theo nhận định của các chuyên gia, việc cần làm lúc này là các địa phương và cả vùng ĐBSCL cần chủ động trong công tác đánh giá tổng thể, rà soát, khảo sát lại các điểm sạt lở ở địa phương để có mức độ cảnh báo và ứng phó kịp thời. Đẩy mạnh công tác dự báo để người dân chủ động ứng phó, kiên quyết xử lý, ngăn chặn các công trình vi phạm, lấn chiếm lòng sông…

Thùy Minh (T/h)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Giải pháp chống sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.