Giải pháp nào xử lý ngập úng ở Karachi

Minh Anh (T/h)|23/10/2020 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Karachi là thành phố đông dân nhất và là trung tâm công nghiệp, tài chính hàng đầu của Pakistan. Tuy nhiên, chỉ sau vài trận mưa lớn đầu mùa mưa vừa qua, hệ thống thoát nước của thành phố này đã bị quá tải dẫn đến ngập úng kéo dài

Hình ảnh những người dân phải lội trong làn nước đục ngầu ngập ngang người, chung quanh đầy rác đã không còn xa lạ sau mỗi cơn mưa lớn trút xuống Karachi. Thống kê cho thấy, ít nhất 27 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương do các tai nạn liên quan ngập nước trong thành phố. Mùa mưa đã khiến cuộc sống đô thị ở Karachi bị đảo lộn hoàn toàn, nhiều người phải chuyển tới các khu vực khác để ở vì mực nước ngập quá cao. Ngập úng cũng kéo theo vệ sinh và dịch bệnh trở nên đáng quan ngại.

Thành phố cũng đã được quy hoạch hệ thống cống thoát nước mưa có công suất thích hợp. Bên cạnh đó, Karachi cũng được thiên nhiên ban tặng hơn 10 kênh, mương tự nhiên (được gọi là “nallah” theo tiếng địa phương), nhờ đó dẫn nước mưa chảy ra biển.

Cơn mưa lớn gây ngập úng nghiêm trọng tại một tuyến phố ở Karachi. Ảnh: AP

Lý giải cho tình trạng ngập nước nghiêm trọng hiện nay, TS Noman Ahmed, Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Công nghệ & Kỹ thuật NED của Pakistan cho rằng, thành phố đã bộc lộ những thiếu sót nghiêm trọng trong quy hoạch, phát triển và quản lý xây dựng. “Nhiều yếu tố đã góp phần vào kịch bản đáng thất vọng này, trong đó có thể kể đến thiếu sót các cơ chế thoát nước lớn dọc theo các tuyến đường phố chính, thật trớ trêu khi nhiều trục đường huyết mạch ở Karachi đều bị ngập nước”, ông cho biết.

Trong quá trình đô thị hóa những năm qua, nhiều công trình lớn như các tòa chung cư, khu văn phòng phức hợp đã được xây dựng ngay bên hông các mương thoát nước tự nhiên, không chỉ tạo áp lực lên những hệ thống này mà còn phá vỡ quy hoạch thoát nước về tổng thể. Việc xây dựng tràn lan cũng làm thay đổi dòng nước mưa và nước thải. Trong khi đó, chủ đầu tư xây dựng chỉ phát triển các đường ống cấp, thoát nước trong lô đất của riêng họ mà không xem xét đến dòng chảy của hệ thống thoát nước tổng.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc thiết kế và quản lý đường sá, hệ thống thoát nước và giao thông kém đã gây ra sự hỗn loạn và thiệt hại hiện nay, song không thể không kể đến một nguyên nhân nữa là quá tải rác thải rắn tồn đọng trong các đường thoát nước và cống ngầm. Qua hàng chục năm đô thị hóa, lượng rác thải rắn nằm lại trong các ống cống không được xử lý, ngày càng bồi đắp cao hơn gây ùn ứ và làm chậm tốc độ xả nước. Khi mưa lớn hơn, rác thải không được thu gom lại trôi vào cống rãnh và làm tù đọng nước thải ở nhiều điểm.

Sau tình trạng ngập nước nghiêm trọng vừa qua, giới chức Karachi đã phải phát động một đợt dọn dẹp vệ sinh toàn bộ cho Karachi. Ngay khi mùa mưa bắt đầu, các đơn vị chức năng đã cho dọn dẹp một số hệ thống cống thoát nước mưa. Tuy nhiên lần này, thành phố đã đầu tư chi phí lớn về cả nhân lực và máy móc để làm sạch các “nallah” và thu hồi một phần chất thải rắn lắng đọng. Thành phố đông dân thứ sáu trên thế giới cũng đang phát động kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ trong nước nghiên cứu để chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng điện và đặt đây làm mục tiêu chiến lược trong những năm tới của Karachi.

Minh Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào xử lý ngập úng ở Karachi