Năng lực giải quyết thoát nước của Hà Nội (Bài 3): Mưa lớn là ngập nặng, đâu là giải pháp?

Mạnh Hưng|26/08/2020 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cứ sau mỗi lần mưa lớn, nhiều tuyến đường phố trên địa bàn TP. Hà Nội lại ngập, phương tiện đi lại khó khăn, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Vậy đâu là giải pháp để giải quyết vấn đề thoát nước và giảm ngập lụt.

Hà Nội đang bước vào mùa mưa, và điệp khúc “phố biến thành sông” lại tiếp tục lặp lại trong những ngày qua, đặc biệt là ở khu vực Phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, những khu vực xưa nay ít chịu bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này.

Trận mưa lớn chiều ngày 17/8 đã khiến nhiều tuyến đường tại khu vực Hoàn Kiếm từ không ngập đến ngập cục bộ, thời gian ngắn và ngập sâu trên diện rộng. Đây là thực trạng rất đáng lo ngại.

Nhiều tuyến phố Hà Nội ngập sâu sau trận mưa ngày 17/8

Người dân Thủ đô luôn thắc mắc, tại sao nội đô Hà Nội cách đây 20 năm không bị ngập lụt sau các trận mưa, mà ngày nay ngập lụt lại trở thành vấn nạn và ngày càng trầm trọng? Làm thế nào để giải quyết vấn nạn này một cách bền vững và đâu là giải pháp căn cơ?

Rà soát lại quy hoạch, thực trạng thoát nước của Hà Nội

Trước hết, về tổng thể, Hà Nội cần rà soát lại quy hoạch chung đô thị (Quyết định số1259/QĐ-TTg), trong đó có quy hoạch thoát nước với cái nhìn và tư duy “thuận thiên” hơn, cần quan tâm hơn tới việc quy hoạch trả lại các khoảng trống, các không gian lớn như lưu vực sông, hồ, vùng đất trũng, thấp… là nơi chứa, tích nước, thoát nước có tính tống thể, lâu dài, bền vững. Coi đây là các khu vực hạn chế phát triển đô thị, xây dựng. Đổi lại, đây sẽ trở thành các khu vực sinh thái, cảnh quan… tạo dựng thêm lá phổi xanh cho đô thị Hà Nội.

Theo đó, cũng cần rà soát lại quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có hệ thống thoát nước trên cơ sở khoa học, thực tiễn và tính khả thi, gắn với quy hoạch chung đô thị Hà Nội đã điều chỉnh theo giải pháp nói trên. Việc đầu tư, duy tu, bảo dưỡng, xây dựng mới hệ thống thoát nước phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia, quy trình, chất lượng theo quy định của pháp luật.

GS – TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết để có tầm nhìn xa trong việc chống ngập úng không hề dễ, nhất là đối với thành phố có lịch sử lâu đời như Hà Nội. Tại đây, hệ thống thoát nước dựa vào những trục cũ, được kéo dài thêm, mà trục chính là sông Tô Lịch, cũng bị chia cắt thành nhiều khúc.

Việc cải tạo hệ thống thoát nước của Hà Nội cũng không dễ, chỉ có thể lấy tiêu chí giảm số điểm ngập úng theo từng năm. Nhưng cách làm này thực chất là “rách đâu, vá đó”.

TS – KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, cho hay hệ thống thoát nước của Hà Nội đã bộc lộ nhiều điểm lạc hậu so với sự phát triển, đô thị hóa và điều kiện khí hậu, thời tiết hiện nay. Theo đó, những trận mưa gần đây có lưu lượng rất lớn, vài giờ đồng hồ đã đạt xấp xỉ 300 mm/ngày. Với những biến đổi ghê gớm như thế, ngập lụt là tất yếu, bởi hệ thống thoát nước được đầu tư trước đó chưa tính hết diễn biến của biến đổi khí hậu.

Theo ông Nghiêm, đối phó với biến đổi khí hậu, rõ ràng không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố và cả vùng thủ đô; kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị; kết hợp xử lý thoát nước với quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh.

Theo ông Nghiêm, Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, nhưng với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, thành phố phát triển loang rộng nhanh thì cần phải có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Do vậy, cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố, với tầm nhìn trong khoảng 5 năm, 10 năm, 20 năm…

Trong đó, đặc biệt chú trọng các vấn đề về cốt nền phù hợp từng khu vực, thoát nước mỗi khu vực riêng hài hòa với thoát nước cả thành phố, giữ lại nước mưa để tận dụng…

Cần có quy hoạch tích hợp tổng thể đa ngành

KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư TP.Hà Nội, nêu quan điểm, cần có quy hoạch tích hợp tổng thể từ xây dựng, đô thị hóa, giao thông, thoát nước, xử lý thải… Theo KTS Ánh, những vấn đề đô thị như Hà Nội đang đối mặt cũng giống như nhiều thành phố trên thế giới đã trải qua, đối với khu vực nội đô không có quỹ đất rộng, có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển không gian ngầm đa chức năng, trong đó có chứa nước khi cần.

Có thể phát triển không gian ngầm trong đô thị làm bãi đỗ xe, đường giao thông, hồ ngầm chứa nước mưa để tận dụng làm nước tưới cây, rửa đường, chữa cháy… Nếu có giải pháp kỹ thuật kết hợp được đa chức năng như vậy, vừa tiết kiệm tiền xây dựng, vừa sử dụng tài nguyên tiết kiệm trong điều kiện nước ngọt ngày càng hiếm, đô thị thông minh.

Xây dựng hồ ngầm chống ngập có giải quyết được tình trạng úng ngập cục bộ các khu vực nội đô Hà Nội?

Muốn vậy, trước hết phải tách được nguồn nước thải ra khỏi nước mưa chảy tràn. Đối với nước thải của thành phố, cần có giải pháp khu trú từng vùng để xử lý làm sạch ngay tại nguồn, giảm thiểu ô nhiễm chứ không nên làm tập trung ở quy mô toàn thành phố.

Đối với khu vực ven trung tâm, đô thị mới, khi đẩy mạnh xây dựng đồng nghĩa với triệt tiêu vùng xốp để thẩm thấu nước khi mưa, nên cần đảm bảo nguyên tắc bù lại, bằng cách duy trì công viên, sân vận động, hồ điều hòa đúng chỉ tiêu kỹ thuật, nâng khả năng tự thẩm thấu nước khi mưa. Nếu có thể, cần phát triển những không gian trống diện tích lớn mang tính dự phòng ứng phó với những tình huống thiên tai.

Phát huy tối đa nguồn lực con người

Huy động sự tham gia có hiệu quả của cộng đồng; xây dựng chế tài đủ mạnh để răn đe các hành động gây cản trở hoặc làm giảm thiểu năng lực của hệ thống thoát nước như san lấp lưu vực chứa, thoát nước sông, hồ, ao; xả chất thải, rác thải, đất, cát xuống hệ thống thoát nước chung của thành phố.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, Phòng quản lý đô thị các quận huyện, đơn vị phụ trách thoát nước cho thành phố phải phát huy thêm vai trò trách nhiệm, công tác phối hợp.

Cụ thể, cần phối hợp xây dựng quy trình ứng phó với ngập lụt, điều hòa nước mưa, sử dụng nước cho cả thành phố cũng như mỗi khu vực nhất định, hình thành trung tâm điều phối sử dụng nước, tiêu thoát nước của thành phố. Đối với các khu vực cuối nguồn thoát nước, cần nghiên cứu đầu tư thêm các trạm bơm tiêu thoát nước cưỡng bức để sẵn sàng ứng phó hiệu quả khi phát hiện có nguy cơ ngập lụt.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc không bịt chặn những họng thu nước trên đường phố, xả rác bừa bãi xuống hệ thống cống để dòng chảy không bị ngăn cản dễ gây ngập úng. Người dân cũng nên tận dụng nước mưa cho những việc như tưới cây, làm mát, chữa cháy, vệ sinh…

Đại diện Sở Xây dựng cho hay, đơn vị này luôn hoan nghênh và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học về các vấn đề của TP.Hà Nội, trong đó có hệ thống thoát nước.

Trước mắt, để chống ngập úng trên địa bàn thành phố, vẫn phải tuân theo Quyết định 725 của Thủ tướng ký năm 2013 về phê duyệt Quy hoạch thoát nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Đồng thời, tận dụng triệt để những phương tiện, nhân lực, vật lực có sẵn để phát huy hiệu quả cao nhất có thể chống ngập úng. Về lâu dài, sẽ nghiên cứu đề xuất điều chỉnh những điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế tiêu thoát nước trên địa bàn.

Trên cơ sở thực tiễn hiện nay, để giải quyết úng ngập cho TP Hà Nội yêu cầu có biện pháp tổng thể bao gồm các giải pháp kỹ thuật, xây dựng chế tài, nâng cao ý thức và trách nhiệm cộng đồng cũng như tăng cường nhân lực cho công tác này.

Khía cạnh kỹ thuật bao gồm các giải pháp công trình cho HTTN như là: tăng cường năng lực tiêu thoát nước cho các sông, kênh, hồ điều hoà như: Cống điều tiết, hồ điều hoà cải tạo sông (xây kè, nạo vét), hoàn thiện hệ thống trạm bơm tiêu thoát nước,… và cải tạo, nâng cấp mở rộng, bảo trì, duy tu và sửa chữa định kỳ các tuyến cống thoát nước; và các giải pháp phi công trình: soát xét, điều chỉnh lại QHTN Hà Nội trên cơ sở cập nhật hiện trạng phát triển đô thị và hệ thống hạ tầng có tính đến các yếu tố bất thường của thời tiết và BĐKH, tăng cường năng lực cảnh báo và kiểm soát úng ngập đô thị bằng các hệ thống quan trắc và điều hành phù hợp.

Các giải pháp kỹ thuật đồng bộ được triển khai theo các giai đoạn: khẩn cấp, ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm đưa TP Hà Nội trở thành đô thị sinh thái, phòng ngập lụt hiệu quả, bảo vệ vòng tuần hoàn nguồn nước bền vững, an toàn và ít thiên tai.

Mạnh Hưng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Năng lực giải quyết thoát nước của Hà Nội (Bài 3): Mưa lớn là ngập nặng, đâu là giải pháp?