Năng lực giải quyết thoát nước của Hà Nội (Bài 2): Cứ mưa là ngập, nguyên nhân vì đâu?

Châu Anh|25/08/2020 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dù Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể đến năm 2030 nhưng tốc độ phát triển đã nằm ngoài quy hoạch, kế hoạch không đi theo đúng lộ trình đã đề ra, dẫn đến tình trạng “Hà Nội cứ mưa là ngập”.

Điệp khúc “Hà Nội cứ mưa là ngập” đã khiến người dân Thủ đô ngán ngẩm. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu HĐND TP. Hà Nội đề cập thường xuyên tại các kỳ họp. Thế nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Vấn đề ngập của Hà Nội đã trở thành kinh niên, kéo dài từ năm này qua năm khác, nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác. Vậy “nút thắt” ở đâu?

Mâu thuẫn trong tiêu thoát nước

Thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho thấy: Tổng lượng mưa đo tại Hà Nội từ chiều tối ngày 17/8 đến 7h00 ngày 18/8 tại các khu vực như quận Hoàn Kiếm là 142,6 mm, quận Ba Đình là 121,3 mm, quận Hai Bà Trưng là 110,2 mm. Vì vậy, từ sáng sớm, Công ty Thoát nước Hà Nội đã bố trí công nhân tổ chức thu dọn vệ sinh các miệng thu, các tấm chắn vật cản và tập trung vận hành bơm, hạ mực nước trên hệ thống sông, hồ điều hòa chính để chuẩn bị sẵn sàng đón các trận mưa. Thế nhưng, giải pháp tạm thời đó đã không giải quyết được vấn đề ngập úng. Những tuyến phố lớn của Thủ đô vẫn chìm sâu trong nước vào đúng giờ tan tầm.

Trận mưa chiều 17/8 khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập nặng. 

Hay như trước đó, trận mưa ngày 5/8 kéo dài nhiều giờ khiến những con đường như Nguyễn Quý Đức, Lương Thế Vinh, Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), đường Thái Hà, ngã tư Láng Hạ (quận Đống Đa)… ngập sâu trong nước. Nhiều phương tiện đã bị chết máy, người tham gia giao thông buộc phải dắt xe lội nước trong sự tắc nghẽn của giao thông.

Theo tính toán của Sở Xây dựng, hiện nay khu vực nội thành Hà Nội còn tồn tại 12 điểm úng ngập. Trong đó có 6 điểm không giảm được ngập úng gồm: Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành-Bát Đàn; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Đại lộ Thăng Long.

Ông Hoàng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, hệ thống thoát nước tại các quận nội thành Hà Nội có diện tích 300km2.

Với cường độ mưa năm nay trong khoảng từ 50-100mm/2h các tuyến phố chính vẫn tồn tại 12 điểm úng ngập. Với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2h sẽ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết từ năm 2005 đến nay, UBND TP đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào các dự án thoát nước. Trong đó có 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỉ đồng. Kế hoạch đến năm 2020, 3 dự án này sẽ phát huy hiệu quả nhưng hiện đã chậm tiến độ.

Lý giải nguyên nhân nhiều tuyến phố ở khu vực trung tâm bị ngập sâu sau trận mưa mới đây, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết do lượng mưa lớn xảy ra trong thời gian ngắn dẫn đến hệ thống thoát nước trên nhiều tuyến phố không kịp tiêu thoát, gây ngập úng. Mỗi lần ngập như vậy, đơn vị lại triển khai nhiều phương án nhằm khơi thông dòng chảy, giúp thoát nước nhanh.

Một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng việc rất nhiều ao hồ bị lấp, cống rãnh tắc nghẽn cũng là những nguyên nhân khiến các tuyến phố ở Hà Nội ngập nặng. Việc quy hoạch xây dựng đô thị thiếu đồng bộ dẫn đến mâu thuẫn trong tiêu thoát nước giữa các tiểu khu. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập.

Quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng: Ngập của Hà Nội là vấn đề hiện hữu nhưng nguyên nhân chung là bài toán quy hoạch đô thị của Thủ đô còn nhiều bất cập.

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xử lý úng ngập trên phố Tràng Tiền sau trận mưa chiều 17/8

Ông Tứ đưa ra dẫn chứng: “Vừa qua chúng ta đã lát toàn bộ vỉa hè kín mít bằng đá hoa cương. Đây có thể nói là một cách nhìn… thiếu tầm nhìn. Đô thị của Hà Nội là đô thị cổ, do đó cần phải dùng những vật liệu hút nước để tăng cường độ thấm. Nghĩa là các dãy phân cách, đá lát vỉa hè có rãnh mở, và cây cối là chỗ hấp thụ nước khi mưa xuống. Tuy không góp phần giảm tất cả nhưng cũng giảm đi một phần lượng nước. Đằng này, lát bằng đá kín mít thì nước ngấm vào đâu”.

Theo ông Tứ, tại một số nước, các khu trung tâm thương mại phải có khu vực dự trữ nước tạm thời trên mái nhà. Sau khi tạnh mưa thì bắt đầu xả xuống. Đó là giải pháp của các đô thị thông minh. Chưa kể tăng lượng dự trữ nước tạm thời trong các hồ chứa nội đô và khu vực xung quanh đô thị để làm giảm áp lực cho nội đô. “Trong khi đó, đô thị của ta trong quá trình xây dựng lại chắn các hệ thống thoát nước, cống hóa nên trong đô thị chịu cảnh ngập nước. Nếu cống hóa mặt đường thì phải tính lưu lượng nước đó phải được thải đi đâu?”-ông Tứ nêu vấn đề.

Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng cứ mưa là ngập, KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết, chúng ta đã nói nhiều đến nguyên nhân nhưng chưa có giải pháp. Hệ thống thoát nước của thành phố đã từng bước được cải tạo, tuy nhiên còn chưa theo kịp được tốc độ đô thị hóa nhanh. Các khu vực đất trống có thể thẩm thấu nước sau khi mưa hay các hồ điều hòa cũng dần bị thu hẹp, bị bêtông hóa cao.

Do vậy đôi khi hệ thống thoát nước bị quá tải. Mặt khác, việc sinh hoạt, tổ chức sản xuất, kinh doanh làm tăng nhu cầu nước thải xả ra các cống. Hiện tượng xả rác của người dân còn chưa được ngăn chặn triệt để. Nhiều người dân có thói quen xả rác, quét lá cây khiến cống bị tắc, khi có mưa thì rác nổi lềnh phềnh.

KTS Nguyễn Thế Khải – chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị cũng cho rằng, chúng ta đã có quy hoạch tổng thế đến năm 2030 nhưng lại không làm theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng “mạnh ai người nấy làm”, phát triển nóng nhưng không có trọng tâm và “lệch” so với hệ thống khung của toàn thành phố.

“Quy hoạch không thành pháp lệnh và mọi người thực hiện theo ý của mình”, KTS Thế Khải nói.

Ông khẳng định để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc TP. Hà Nội. Hà Nội đã có những đơn vị quản lý với mục đích giám sát, đảm bảo việc thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra, nhưng lại để các đơn vị đầu tư xây dựng không đúng quy hoạch được đề ra đến năm 2030.

Để giải quyết vấn đề ngập úng ở Hà Nội là vấn đề nan giải vì cốt nền ở nhiều khu vực ở Hà Nội không đồng đều, nhiều chỗ trũng, thấp hơn cả sông, hệ thống cống thiếu liên thông gây ra tắc nghẽn. Muốn xử lý phải rất tốn kém và cần giải quyết trong dài hạn…

Cũng theo các chuyên gia quy hoạch, trong quy hoạch các nước cũng chỉ ra giải pháp chống úng ngập như phải duy trì các công viên cây xanh, các khoảng đất trống, không được bê tông hóa hết. Nhưng thực tế trên địa bàn Hà Nội giải pháp này thì đang được làm ngược lại. Chưa kể, hệ thống mương không được nạo vét thường xuyên, cộng thêm đất ruộng vẫn xen kẹt với cao ốc đua nhau xây dựng san sát nên khi mưa lớn nước từ các khu đô thị, đổ ra không có lối thoát.

Bên cạnh đó, các khu đô thị mới có tình trạng chung là quá trình thực hiện, triển khai quy hoạch chắp vá và không có sự kiểm soát. Do đó, vấn đề ngập úng là tất yếu. Dự án xây sau cao hơn dự án xây trước, dồn hết nước cho khu vực làm trước. Quá trình này vẫn liên tục diễn ra. Nơi mà hôm nay không bị ngập không có nghĩa là sau đó sẽ không phải đối diện cảnh ngập úng. Đây cũng là hệ luỵ của việc mải xây đô thị mà quên hệ thống thoát nước… Do đó, cần nghiên cứu đưa ra phương án giải quyết tạm thời tránh ngập lụt và có tầm nhìn quy hoạch cho tương lai.

Châu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năng lực giải quyết thoát nước của Hà Nội (Bài 2): Cứ mưa là ngập, nguyên nhân vì đâu?