Năng lực giải quyết thoát nước của Hà Nội (Bài 1): Chi hàng trăm triệu USD mà cứ mưa là ngập

An Nhiên|24/08/2020 12:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo nhiều chuyên gia về cấp thoát nước đô thị, tình trạng úng ngập của Hà Nội có nhiều nguyên nhân, trong đó có từ cầu chuyện quy hoạch cốt nền đô thị của thành phố trước đây chưa thực sự quan tâm. Do đó, khi có mưa lớn kéo dài là khu vực nội thành Hà Nội là chìm sâu trong biển nước.

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Hà Nội diễn ra nhanh chóng, với việc hình thành nhiều khu đô thị mới, khu công nghiệp tập trung, kéo theo sự gia tăng dân số. Tuy nhiên, sự đầu tư các công trình hạ tầng thoát nước chưa theo kịp tốc độ phát triển và mở rộng của Thủ đô, cộng với diễn biến thời tiết phức tạp đặt ra nhiều thách thức cho công tác thoát nước.

Hệ thống thoát nước (HTTN) vùng đô thị là một hệ thống hỗn hợp đồng bộ bao gồm các cống, kênh mương, hồ nội đô, các sông thoát nước ngoại thành và các trạm bơm tiêu cục bộ và đầu mối đảm nhận việc tiêu thoát nước mưa đô thị và vùng nông nghiệp với các hệ số tiêu khác nhau.

Phần lớn các công trình được xây dựng cách đây hàng chục năm, phục vụ mục đích tiêu úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp, với hệ số tiêu từ 4,5 đến 5,5 L/s/ha. Sau trận ngập lụt lịch sử, từ năm 2008 đến nay, TP Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp, xây mới công trình tiêu úng.

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội khơi cống ở đường phố đoạn gần đền Ngọc Sơn trong trận mưa lớn chiều tối 17.8

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, UBND TP.Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vào các dự án thoát nước. Trong đó, đáng chú ý là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỉ đồng.

Cụ thể, dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng, đã hoàn thành vào cuối năm 2016. Dù vậy, từ sau khi hoàn thành đến nay, Hà Nội vẫn không tránh được ngập úng.

Hai dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây Hà Nội gồm các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, một số huyện ngoại thành là dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỉ đồng và dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng. Trong đó, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có công suất 120 m3/giây bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho quận Hà Đông, Thanh Xuân; Cụm công trình đầu mối Liên Mạc có công suất 170 m3/giây (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở) bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, giảm ngập úng cho khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận. Tuy nhiên, đến nay, cả hai dự án này vẫn đang triển khai chậm trễ, việc thoát nước ở khu vực các quận nêu trên vẫn là tự chảy.

Theo tiến độ, năm 2020, cả 3 dự án kể trên sẽ phát huy hiệu quả. Thế nhưng đến hiện tại, hễ mưa to là đường phố Hà Nội lại thành sông. Cụ thể, ngày 5.8 mưa lớn, nhiều tuyến phố ngập sâu. Gần đây nhất, chiều 17.8, sau 2 trận mưa lớn tập trung tại 2 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, nhiều tuyến phố như Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liệt, Hàng Bài, Phùng Hưng, Tạ Hiện… ngập sâu trong nước, cảnh tượng người dân “bơi trên sông phố Hà Nội” lại tái diễn.

Lý giải nguyên nhân nhiều tuyến phố ở khu trung tâm bị ngập úng sau mưa, Công ty thoát nước Hà Nội cho biết do lượng mưa cấp tập diễn ra trong thời gian ngắn dẫn đến hệ thống thoát nước trên nhiều tuyến phố không kịp tiêu thoát, gây ngập úng, mặc dù Công ty thoát nước Hà Nội đã phải vận hành các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế; mở các cửa thu để nước chảy vào các hồ điều hòa Thiền Quan, Đống Đa, Bảy Mẫu, Linh Đàm, Khương Trung. Đồng thời triển khai nhiều biện pháp tiêu úng cho khu vực trung tâm.

Ngập úng ở phố Đinh Tiên Hoàng ven bờ hồ Hoàn Kiếm chiều 17.8

Gần 20 ao, hồ bị san lấp chỉ trong 7 năm

Bên cạnh nguyên nhân các dự án thoát nước chậm tiến độ, thiếu hiệu quả thì việc ao hồ bị lấp, cống rãnh bị nghẹt cũng khiến thủ đô ngày càng ngập nặng. Đại diện Sở Xây dựng TP.Hà Nội cho biết, vài năm gần đây, đa số các hồ lớn ở Hà Nội đã được cải tạo kè, đường dạo xung quanh nên tình trạng lấn chiếm hồ không có.

Tuy nhiên, theo báo cáo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho thấy, tính từ năm 2010 – 2017, Hà Nội có tới 17 hồ bị san lấp hoàn toàn nhưng chỉ bổ sung 7 hồ mới. Cụ thể, đến năm 2015, các quận nội thành còn 112 hồ (giảm 10 hồ).

Q.Đống Đa vốn có nhiều ao hồ nhất (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010 – 2015) đã có 4 hồ bị san lấp; một số quận không thay đổi hiện trạng ao, hồ thì diện tích mặt nước cũng bị thu hẹp đáng kể. Cụ thể, Q.Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất TP (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) nhưng từ năm 2010 – 2017, diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000 m2. Hồ Tây trước đây rộng hơn 500 ha, nhưng sau khi kè (năm 2010) chỉ còn 460 ha.

GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ NN-PTNT), cho rằng tốc độ biến mất diện tích mặt nước ở Hà Nội tăng nhanh đầu thế kỷ 21. Nghịch lý là nhiều ao hồ không những không được bảo vệ, mà còn bị san lấp, biến thành các công trình, dự án, chung cư cao tầng. Việc quy hoạch xây dựng đô thị manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể đã dẫn đến mâu thuẫn trong tiêu thoát nước giữa các tiểu khu. Đồng thời, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng úng ngập.

An Nhiên

Bài liên quan
  • Hà Nội loay hoay trong xử lý ngập úng nội đô
    Moitruong.net.vn – Cứ mỗi trận mưa lớn đổ xuống, người dân thủ đô lại ngay ngáy lo ngập lụt, tắc đường… Dù TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhưng hàng chục năm qua, tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năng lực giải quyết thoát nước của Hà Nội (Bài 1): Chi hàng trăm triệu USD mà cứ mưa là ngập