Giải pháp phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ

Huyền Nhung (T/h)|20/12/2019 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Giải pháp phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ khi cần tạo ra dư địa mới cho khu vực này vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế.

Tại Hội nghị toàn quốc về quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 19/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, trong các loại rừng, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chiếm vị trí rất quan trọng bởi đây là nơi có đa dạng sinh học cao nhất, bảo tồn động thực vật quý hiếm; là vùng sinh thủy, “van” điều hòa tổng thể cho từng tiểu vùng khí hậu; phát triển du lịch, nghiên cứu, học tập… “Đây là nhân, là lõi của phát triển bền vững”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, 2 nhóm rừng trên có 6,75 triệu ha nên cần tạo ra dư địa mới cho khu vực này vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế. Trước đây, ngành lâm nghiệp chỉ chú trọng bảo vệ và phát triển, nhưng nay Luật Lâm nghiệp yêu cầu phải xác định nhận thức là đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế, phát triển theo chuỗi từ sản xuất, chế biến, tổ chức thương mại; việc chuyển đổi trạng thái rừng với gần 54% là rừng kinh tế đang là động lực, điều kiện khá tốt để ngành tiếp tục phát triển.

Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Hà Công Tuấn chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, hoàn thiện hệ thống văn bản có gắn với Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (PVA/FLEGT) có chất lượng để quản lý; chuẩn bị chương trình phát triển rừng giai đoạn 2021-2025; tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch trung hạn 2020-2025, gắn với đó là các chương trình đề tại khoa học cấp quốc gia, vùng…

Rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chiếm vị trí rất quan trọng

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện cả nước có 395 ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ với nhiều đặc thù. Tổng cục Lâm nghiệp cần phân dạng cụ thể hơn và xây dựng các dạng mô hình điển hình để nhân rộng.

Nếu quản lý tốt, rừng chính là lợi thế của Việt Nam. Du lịch, dịch vụ sẽ trở thành thế mạnh của kinh tế, đây là động lực, tiền đề để hi vọng rừng phát triển tốt hơn, nhiều rừng hơn, đa dạng sinh học hơn- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ, do đó đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: nâng cao độ che phủ rừng, chất lượng rừng, góp phần tạo sinh kế nâng cao đời sống người dân ở những khu vực rừng có loại rừng này.

Hiện cả nước có 14,45 triệu ha rừng; trong đó, rừng đặc dụng là 2,15 triệu ha; rừng phòng hộ 4,6 triệu ha. Đến nay, cả nước đã thiết lập 164 Ban quản lý rừng đặc dụng; 231 Ban quản lý rừng phòng hộ. Các Ban quản lý đang quản lý khoảng 46,7% diện tích đất lâm nghiệp, đại diện cho hầu hết các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, trên biển, đất ngập nước; trong đó phần lớn là rừng nguyên sinh và là nơi sinh sống của hầu hết các loài động, thực vật có nguy cơ đe dọa cần được bảo tồn phát triển bền vững.

Mỗi năm các Ban quản lý rừng đã giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình trên 402.000 ha, trồng rừng mới gần 11.000 ha. Việc giao khoán này đã góp phần tăng thêm diện tích có rừng, nâng độ che phủ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương sống trong vùng lõi và vùng đệm. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định từ nghề rừng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đó là xu hướng suy thoái đa dạng sinh học do nạn phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp; tăng trưởng nóng về kinh tế, áp lực dân số và những khó khăn, hạn chế về nguồn lực; các cơ chế, chính sách quản lý, đầu tư bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học chưa đồng bộ và hầu hết sẽ hết hiệu lực vào năm 2020.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ sẽ phải từng bước tự chủ được về tài chính, thông qua tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái. Đến năm 2025, 50% các khu rừng đặc dụng phòng hộ có hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đạt hiệu quả; hàng năm thu hút 15-20% lượng khách du lịch tại Việt Nam.

Huyền Nhung (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ