[Góc nhìn tuần qua] Chủ động trong phòng chống thiên tai

Ban Biên tập Moitruong.net.vn|28/05/2022 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Vừa qua tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã liên tục có mưa lớn cục bộ, gây ngập lụt, sạt lở, thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản của nhân dân và Nhà nước; ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, nhiều nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021.

VIDEO: Góc nhìn tuần qua: “Chủ động trong phòng chống thiên tai”

Trong những ngày vừa qua, tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Tính đến nay, đợt mưa lớn này đã bước qua giai đoạn cao điểm nhất. Bắt đầu từ ngày 25/5, tình hình mưa lớn có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, ở khu vực miền núi Bắc Bộ vẫn còn mưa dông trên diện rộng. Cục bộ có những điểm có nguy cơ mưa to. Thời gian mưa tập trung vào chiều tối đến đêm. Do mưa lớn đã xảy ra trong thời gian qua và có khả năng xảy ra mưa dông nhiều ngày tới nên ở vùng núi và trung du Bắc Bộ cần đề phòng các loại hình thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở, ngập úng tại các khu vực trũng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng lưu ý, từ đầu năm 2022 đến nay, ở Việt Nam đã ghi nhận một đợt mưa trái mùa xảy ra ở khu vực Nam Trung Bộ, gây ra tương đối nhiều thiệt hại về người và tài sản. Ngoài ra, một số khu vực khác đã xảy ra mưa dông, lốc, sét. Trên biển cũng đã xuất hiện những cơn bão sớm, dù các cơn bão đó không ảnh hưởng đến Việt Nam.

Với xu hướng thời tiết trên, thời gian tới, nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021. Trong đó, tình hình mưa lớn có thể tập trung nhiều, dồn dập vào thời điểm cuối năm. Những cơn bão cũng có khả năng sẽ có những quỹ đạo cũng như cường độ bất thường. Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 5-7 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; cần đề phòng bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong các tháng cuối năm.

Do đó, Bộ TN-MT chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó. Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo kiểm tra, điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ; chỉ đạo bảo vệ sản xuất nông, công nghiệp.

Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục nhanh sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Ban Biên tập Moitruong.net.vn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
[Góc nhìn tuần qua] Chủ động trong phòng chống thiên tai