Nước ta nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão. Mỗi năm có hàng chục cơn bão đổ bộ vào đất liền kèm theo mưa to, gây lũ lụt lớn làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh dịch để lại những hậu quả hết sức nặng nề.
Sau mưa bão, xác động vật, thực vật tại các vùng đất ngập úng ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt, các loại thực phẩm rau, quả. Đây là nguyên nhân gây nên các loại bệnh đường ruột. Đặc biệt, nước ngập và tù đọng lâu ngày là môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển và dễ bùng phát thành dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, đảm bảo cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau khi bão lụt xảy ra là công việc quan trọng để phòng chống dịch bệnh.
Sau bão lụt, vấn đề trọng tâm đối với ngành Y tế là xử lý vệ sinh môi trường, nước ăn uống và sinh hoạt; phát hiện sớm và ngăn ngừa không để dịch bệnh xảy ra. Có kế hoạch bao vây và dập tắt nếu dịch bệnh xảy ra. Y tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường trong và sau bão lụt.
Phải tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, hướng dẫn các biện pháp thu gom rác, nước thải, sử dụng nhà xí hợp vệ sinh, không thả rông gia súc. Tổ chức cho nhân dân dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, lấp ao tù nước đọng.