Hà Giang: Giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Minh Anh (t/h)|31/01/2020 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Hà Giang trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng miền núi phía Bắc. Đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hà Giang là tỉnh biên giới cực Bắc của Tổ quốc, là nơi cư trú của 22 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Hà Giang ẩn chứa những vẻ đẹp lôi cuốn du khách đến khám phá. Du lịch tỉnh Hà Giang đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, tạo việc làm; đón tiếp ngày càng nhiều du khách quốc tế và nội địa, thể hiện vai trò của một trong những ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Cơ sở hạ tầng của tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng và hoàn thiện.

UBND tỉnh Hà Giang cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Hà Giang trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng miền núi phía Bắc. Đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch quốc gia. Để làm được điều đó, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã xác định 7 giải pháp tập trung để phát triển du lịch.

Ảnh minh họa

Một là, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch. Các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức quán triệt sâu, rộng Chương trình của Tỉnh ủy và Kế hoạch thực hiện Chương trình của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm thống nhất nhận thức, xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung nguồn lực để thực hiện với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao từ tỉnh đến cơ sở. Đổi mới tư duy về du lịch – coi đây là một ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển theo quy luật kinh tế thị trường và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng;

Hai là, cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện quy hoạch, phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Ba là, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển dịch vụ hỗ trợ đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về thủ tục đầu tư để mời gọi vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào các dự án du lịch và phát triển hạ tầng, dịch vụ vui chơi giải trí,…

Bốn là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Hà Giang, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ. Khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tộc người.

Năm là, tăng cường liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch. Tổ chức hợp tác, liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trọng điểm trong cả nước mở rộng thị phần khách nội địa.

Sáu là, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Giang đến 2025. Đồng thời điều tra khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, để có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo theo mục tiêu đề ra.

Bảy là, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt ở những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh đó là tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn