Thủy điện sông Lô 2 là công trình thủy điện được xây dựng trên đất của xã Đạo Đức và xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) với công suất lắp máy ban đầu là 28 MW cùng 2 tổ máy.
Tuy nhiên, kể từ khi xây dựng cho đến khi đi vào vận hành công trình này đã bộc lộ rõ những yếu kém trong quá trình lên kế hoạch và thi công.
Cụ thể, hạng mục đê bao của công trình này nhiều lần bị sạt lở, có thời điểm nhằm tránh nước tràn ra ngoài, thủy điện đã xả nước làm thiệt hại về hoa màu của người dân.
Bờ kè đê bao thi công kém chất lượng, dẫn đến nứt vỡ và phải khắc phục lại.
Cho đến thời điểm hiện tại, người dân sống gần thủy điện vẫn ôm nỗi lo nhà sập vì thủy điện tích nước, nặng nề và nguy hiểm nhất phải kể đến Công ty TNHH Đại Minh Thịnh, trụ sở tại thôn Tân Tiến, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên (Hà Giang).
Công ty TNHH Đại Minh Thịnh (Công ty Đại Minh Thịnh) đầu tư, xây dựng khu nhà rộng 6.000 m2, mặt tiền nằm dọc theo Quốc lộ 2, phía sau nhà khoảng 30 m là lòng hồ Thủy điện Sông Lô 2. Đây là kho chứa các loại hàng hóa và cũng là nơi làm việc của hơn 40 công nhân trong công ty.
Ông Trần Công Bảo, đại diện Công ty Đại Minh Thịnh, cho biết: “Trước đây, khu nhà này luôn cao hơn mực nước sông Lô từ 5-7m, nền đất ổn định, móng nhà xây kiên cố nên không có hiện tượng sụt lún, tường nhà không bị đứt gãy, nứt nẻ”.
Nhiều vị trí dãy nhà bị nứt toác, hở hàm ếch
Công ty đang trên đà làm ăn thuận lợi thì sự cố xuất hiện, móng nhà sụt lún, tường nhà nứt toác, nguy cơ đổ sập cao. Hiện tượng này chỉ xuất hiện sau khi Thủy điện Sông Lô 2 tích nước vào đầu năm 2018.
Công ty Đại Minh Thịnh đã có đơn lên chính quyền địa phương, đề nghị vào cuộc kiểm tra, làm rõ nguyên nhân. Giữa năm 2018, chính quyền huyện Vị Xuyên và chủ đầu tư Thủy điện Sông Lô 2 là Công ty TNHH Thanh Bình (Công ty Thanh Bình) đến kiểm tra hiện trạng.
Đầu năm 2019, Trung tâm Kiểm định có kết luận chính thức, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụt lún, nứt tường khu nhà của Công ty Đại Minh Thịnh, là do Thủy điện Sông Lô 2 tích nước lòng hồ, chênh lệch mực nước lòng hồ so đê bao.
Nước xâm nhập theo các địa tầng khác nhau vào chân móng khu nhà, dẫn đến tình trạng biến dạng trạng thái đất khu vực này. Từ đó dẫn đến hiện tượng sụt, lún, nứt nhà.
Có kết luận trên, các ngành chức năng huyện Vị Xuyên và các bên liên quan đã họp bàn giải pháp khắc phục.
Theo đó, giải pháp khắc phục là gia cố lại nền móng phía sau dãy nhà bằng phương pháp ép cọc, đổ bê-tông cốt thép, đắp đất để tạo độ chặt. Sau đó tiến hành các biện pháp khắc phục tình trạng lún nền, nứt nhà.
Được biết, việc Thủy điện Sông Lô 2 tích nước không chỉ gây thiệt hại khu nhà của Công ty Đại Minh Thịnh mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên cũng bị ảnh hưởng. Điển hình, trường hợp lò gạch của gia đình ông Phùng Tiến Nam, xã Đạo Đức phải ngừng hoạt động vì thủy điện tích nước, nước thẩm thấu gây ngập úng vùng nguyên liệu để sản xuất, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, phía Công ty Thanh Bình lại có công văn đề nghị Trung tâm Kiểm định bỏ phần thiết kế bê-tông cốt thép ra khỏi phương án khắc phục vì cho rằng không hợp lý. Phần khắc phục lún nứt trong nhà, việc đổ bê-tông cốt thép lại toàn bộ mặt bằng là không hợp lý.
Thậm chí có những nhà đã được đền bù sửa chữa nhà cửa bị sụt lún do thủy điện, nhưng sau một thời gian nhà của các hộ này lại tiếp tục bị nứt gãy.
Từ khi đi vào vận hành đến nay, bờ đê lòng hồ Thủy điện Sông Lô 2 đã xảy ra tình trạng sạt lở, vỡ bờ đê. Do đó, cần có giải pháp gia cố, tu sửa bờ đê bao, giải quyết dứt điểm tình trạng nước trong lòng hồ thẩm thấu, gây thiệt hại đến đất đai, nhà cửa của người dân.
Ngọc Linh (t/h)