(Moitruong.net.vn) – UBND tỉnh Hà Giang vừa thông qua kế hoạch “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng” đến năm 2030.
Hà Giang tiến hành kế hoạch quản lý bền vững tài nguyên rừng, giảm phát khí thải nhà kính
Kế hoạch nhằm góp phần thực hiện thành công Chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (Chương trình REDD+) đến năm 2030;
Thực hiện mục tiêu Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, giai đoạn 2011- 2020; phát huy giá trị của đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, nâng cao giá trị lâm sản, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số và các hộ nghèo sống gần rừng, nâng cao giá trị phòng hộ của rừng, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn sạt lở đất, bảo vệ nguồn nước…
Kế hoạch xác định, giai đoạn 2017 – 2020 giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động REDD+, đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, trồng lại rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, nâng độ che phủ rừng từ 55,1% vào cuối năm 2016 lên 58% vào năm 2020;
Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên 368.802,2 ha và 68.066,1 ha rừng trồng, nhằm gia tăng tích lũy các bon và dịch vụ môi trường rừng; nhân rộng các mô hình trồng rừng hiệu quả; nâng cao chất lượng và sử dụng bền vững rừng tự nhiên; khai thác có hiệu quả du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại các khu rừng đặc dụng.
Khuyến khích thay thế một số diện tích rừng trồng loài cây không phù hợp với điều kiện lập địa kém hiệu quả bằng rừng gỗ lớn góp phần nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng hấp thu khí CO2 của rừng, tăng sinh khối để tăng tích trữ các bon và đảm bảo cung cấp gỗ cho sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Khuyến khích thực hiện mô hình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.
Trong giai đoạn 2021 – 2030, Hà Giang sẽ ổn định diện tích rừng tự nhiên đến năm 2030 ít nhất bằng diện tích đạt được tại năm 2020, góp phần định hướng tăng trưởng xanh của tỉnh; nhân rộng các mô hình hiệu quả cao về REDD+ và quản lý rừng bền vững, lồng ghép REDD+ với trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Hoàn thiện khung hành động của Chương trình REDD+ và tiếp cận các nguồn tài chính chi trả dựa vào kết quả phù hợp với các yêu cầu quốc tế.
Khánh An