Hà Nam: Ghi nhận 35 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng

Hoàng Nhung (th)|29/09/2017 04:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Theo thông tin đăng trên báo Hà Nam, tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh có 35 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng ở hầu hết các địa phương, trong đó số ca ghi nhận nhiều nhất tại huyện Thanh Liêm với 15 trường hợp.

Hà Nam ghi nhận 35 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng (hình ảnh minh họa)

Theo đó, các huyện ghi nhận các có người mắc bệnh chân tay miệng tập trung tại: huyện Thanh Liêm 15 ca, Lý Nhân 8 ca, Duy Tiên 7 ca, Bình Lục 2 ca, Phủ Lý 3 ca.

Được biết không có ca tử vong, không ghi nhận ổ dịch tại nhà trẻ, trường học, cộng đồng. Số ca mắc bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây. Ví dụ trong tuần 37 (từ ngày 18-24/9) ghi nhận 7 trường hợp mắc.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, để chủ động phòng, chống không để dịch bùng phát lây lan trên diện rộng, Sở Y tế Hà Nam đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Theo đó yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, tiến hành điều tra trường hợp bị bệnh, yếu tố dịch tễ và xử lý ổ dịch theo quy định…

Cùng đó phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức tập huấn phương pháp chẩn đoán, điều trị, giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng.

Trung tâm y tế huyện, thành phố phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh để có biện pháp chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng cho học sinh. Tăng cường giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, phát hiện sớm các ca bệnh. Tổ chức tốt việc thu dung và điều trị bệnh nhân. Rà soát, bổ sung đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng chống bệnh.

Ngoài ra, khi phát hiện trẻ bị mắc chân tay miệng bạn cần:

Nếu trẻ mới có các dấu hiệu như sốt hoặc bệnh sử có sốt, ban sẩn mụn nước ở tay chân, có thể loét miệng hoặc không. Đây là giai đoạn không có biến chứng có thể điều trị tại nhà các triệu chứng này: dùng paracetamol hạ sốt giảm đau. Uống bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol. Dùng dung dịch sát khuẩn da như xanhmethylen, milian… và niêm mạc như zytee, kamistad… cho các vết loét.

Nếu trẻ có biểu hiện như sốt cao, li bì, nôn… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế. Theo dõi các dấu hiệu lâm sàng chưa có nguy cơ từ 1 – 2 ngày hoặc tới 1 tuần lúc đó bé sẽ hồi phục.

Nếu trẻ có các dấu hiệu nặng lên cần đưa trẻ tới viện ngay.

Để phòng tránh bệnh chân tay miệng chúng ta cần:

Cho bé ăn các loại thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; rửa tay đúng và thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; làm sạch các vết bẩn, các dụng cụ đồ chơi bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn; tránh tiếp xúc (hôn, ôm ấp, dùng chung đồ dùng hoặc cốc chén) với người bệnh chân tay miệng.

Hoàng Nhung (th)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nam: Ghi nhận 35 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.