Hà Nội: Bệnh nhân mắc cúm A tăng đột biến

Ngọc Minh|06/07/2022 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Cúm A là một trong những căn bệnh phổ biến thường xuất hiện vào mùa đông ở miền Bắc. Dịch cúm A thường bùng phát sau làn sóng dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, xu hướng này đang bị thay đổi trong năm nay.

bs-1.jpg
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), phòng bệnh điều trị cúm A được lấp kín giường với bệnh nhân ở đủ các lứa tuổi. Các bệnh nhân này đều cùng có chung các triệu chứng phổ biến của bệnh cúm A và buộc phải nhập viện.

Phạm Vũ Minh (nam, 23 tuổi, trú tại Times City, Hà Nội) cho biết bắt đầu có triệu chứng từ thứ 7 vừa qua. Ban đầu, Minh cảm giác mệt mỏi, đau người, đau đầu và sốt.

Một ngày sau, Minh sốt tới 40 độ C, mê man và được gia đình đưa tới Bệnh viện Thanh Nhàn.

“Lúc tới bệnh viện, tôi còn không thể đứng vững, phải dựa sát vào tường để bước đi”, Minh kể lại.

Nam thanh niên này sau đó được chỉ định nhập viện và điều trị nội trú. Sau 3 ngày, tình trạng của bệnh nhân thuyên giảm. Dự kiến, khoảng 1-2 ngày tới, Minh có thể xuất viện.

Minh nhớ lại: “Trước khi mắc bệnh, tôi có đi uống cà phê với một người bạn. Trong buổi gặp này, tôi có uống chung cốc cà phê với bạn đó nên khi có triệu chứng sốt, tôi cũng phần nào biết được nguồn lây, từ đó chủ động cách ly, không ăn chung với gia đình”.

Chung phòng bệnh với Minh, bà Nguyễn Thị Thêm (60 tuổi, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện đêm 2/7 trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đau người, một mình không đi nổi và phải có người đi kèm.

Bệnh nhân cho biết hai ngày đầu có dấu hiệu nặng. Sang ngày thứ 3, bệnh có tiến triển tốt hơn và hiện cắt được cơn sốt.

Bà Thêm chia sẻ: “Tôi chưa từng mắc Covid-19, cũng chưa bao giờ bị sốt cao như thế này. Các dấu hiệu đến khá nhanh. Buổi chiều hôm đó tôi vẫn làm việc bình thường. Đến buổi tối thấy mệt, đến 23h30 thì trở nặng. Tôi rất bất ngờ khi xét nghiệm ra cúm A vì tôi không đến chỗ đông người, các thành viên trong nhà cũng không ai bị cúm”.

Tương tự, chị Nguyễn Bích Hồng (30 tuổi, ngụ Hoàng Mai, Hà Nội) vào viện ngày 3/7. Bệnh nhân này phát hiện sốt sau khi ngủ dậy và đi mua thuốc uống nhưng cơn sốt không hạ. Sau đó, chị Hồng được người nhà đưa vào viện kiểm tra và được chẩn đoán mắc cúm A.

Chị Hồng nói: “Lúc bị sốt, tôi cứ nghĩ mình bị Covid-19 lần 2 nhưng test chỉ lên một vạch. Các dấu hiệu của cúm A diễn ra khá nhanh. Sau khi sốt, tôi lên cơn rét, đau đầu, đau nhức khắp cơ thể, thậm chí đi không vững”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Trưởng đơn Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, cho biết bệnh nhân cúm A tăng lên trong thời gian gần đây. Lúc cao điểm, đơn vị tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân một ngày. Nhiều người đến viện khám với biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, có người nặng hơn bị viêm phổi, suy hô hấp.

Tình trạng tương tự diễn ra tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, cho biết trong hàng trăm bệnh nhi đến khám, có tới một phần tư mắc cúm A. Các biểu hiện bệnh gồm sốt, viêm long đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng...

Theo các bác sĩ, số bệnh nhân cúm A tăng vào mùa hè như hiện nay là bất thường so với mọi năm. Bác sĩ Thúy cho biết cúm A rất ít xuất hiện trong mùa nóng, ca bệnh xuất hiện lác đác không đáng kể. Lý do là virus cúm không phát triển và gây bệnh trong thời tiết khô, nóng, mà thường sinh sôi mạnh vào mùa đông xuân khi tiết trời lạnh, nồm ẩm.

Hiện chưa rõ nguyên nhân bệnh cúm A tăng bất thường vào mùa hè. Bác sĩ Hường cho rằng thời tiết biến đổi bất thường, đến tháng 5 vẫn còn các đợt không khí lạnh, có thể là lý do khiến virus cúm A sinh sôi. Thực trạng này có thể gây nguy cơ dịch chồng dịch, vì các ca sốt xuất huyết và bệnh nhân Covid-19 cũng tăng lên vào cùng thời điểm. Do đó, bác sĩ khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế đến nơi đông người như phòng họp, xe buýt để tránh làm lây lan dịch bệnh.

cum-1.jpg
Cúm thường và Cúm A đều là bệnh gây ra bởi virus.

Theo bác sĩ Thúy, bệnh cúm A do các chủng virus như H1N1, H5N1, H7N9 gây nên, lây lan qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn nhỏ từ cơ thể người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với đồ vật, bề mặt có virus. Bệnh thường không gây nguy hiểm tính mạng, song có thể có biến chứng nặng và nguy hiểm trên nhóm người có bệnh nền tim mạch và hô hấp.

Hiện nay, đã có phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm mùa của Bộ Y tế, bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu và được chỉ định dùng cho những trường hợp cụ thể, phác đồ cũng hướng dẫn các biện pháp điều trị triệu chứng và các trường hợp cúm mùa có biến chứng.

Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, cho con uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng và dễ hấp thu, uống thuốc hạ sốt, thuốc điều trị triệu chứng (thuốc ho, thuốc cảm chống ngạt mũi), vitamin (đặc biệt là vitamin C) hỗ trợ tăng sức đề kháng... Lưu ý, các thuốc được sử dụng phải do bác sĩ chỉ định, cha mẹ không được tự ý sử dụng.

TS.BS Đặng Thị Thúy khuyến cáo, cúm A là bệnh rất dễ lây lan, mọi người đều có thể mắc đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng cúm chủ động. Ngoài ra cần chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ: cho trẻ ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp…

Giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh. Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng. Gia đình cần thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ. Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do vậy tránh đưa trẻ tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm. Chúng ta cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để để hạn chế lây nhiễm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Bệnh nhân mắc cúm A tăng đột biến