Hà Nội: Bị lấn chiếm, điểm dừng xe buýt tuyến phố Trần Cung chỉ còn biển báo

Hoàng Bằng|21/07/2023 20:56
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Gần như tất cả các điểm dừng xe buýt trên tuyến phố Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1 (bắc Từ Liêm, Hà Nội) đều trong tình trạng bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh buôn bán hay đậu đỗ xe của tài xế xe ôm và rác thải. Khách đi xe bus phải đợi xe dưới lòng đường, gây ách tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

W_anh-1a.jpg
Theo ghi nhận của PV, tại những điểm dừng xe buýt trên phố Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đa phần bị người dân chiếm dụng làm nơi buôn bán kinh doanh… Hành khách đợi xe buýt phải đợi xe dưới lòng đường.

Đường Trần Cung thuộc phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có chiều dài gần 2km, lòng đường rộng khoảng 4m, vỉa hè lại hẹp nên người dân đã chiếm dụng vỉa hè, điểm dừng xe buýt làm nơi kinh doanh buôn bán, thậm chí là cả tập kết rác thải... Tuyến đường hẹp, lại nhiều xe cộ qua lại nên vào giờ cao điểm, nếu đi qua tuyến đường này sẽ mất cả tiếng đồng hồ. Đặc biệt là những lúc 2 xe buýt gặp nhau trên cùng tuyến đường này vào giờ cao điểm khiến giao thông tắc cứng. Điều này khiến nhiều hành khách phải đợi xe buýt dưới lòng đường, người đi bộ cũng chẳng có lối mà đi, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

W_anh-2a.jpg
Lòng đường chật hẹp lại bị lấn chiếm để làm chợ cóc nên tình trạng ách tắc giao thông càng thêm nghiêm trọng. Người dân đi bộ phải di chuyển dưới lòng đường.
W_anh-3a.jpg
Bạn Nguyễn Anh Tuấn (sinh viên Đại học Mỏ - địa chất) thường xuyên đi học bằng xe buýt qua tuyến phố Trần Cung, bức xúc: “Do trường học nằm trên con đường này nên tôi thường xuyên đến trường bằng xe buýt. Điểm dừng này, không có chỗ đứng, có rất nhiều xe máy dựng trên vỉa hè, người dân buôn bán, kinh doanh, nên khách đợi xe lại phải đứng dưới vỉa hè, hoặc len lỏi mới có chỗ đứng, khi đường đông thì rất nguy hiểm”.
W_anh-4a-1-.jpg
Trong các giờ cao điểm, diện tích đường xá lại càng chật chội. Khách lên, xuống xe buýt giữa lòng đường, dù biết là nguy hiểm nhưng cũng không còn cách nào khác.
W_anh-5a.jpg
Bà Dung (Cổ Nhuế 1, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Tuyến đường này vỉa hè hẹp, bề mặt đường nhỏ, giờ cao điểm thường xuyên ách tắc, điểm xe buýt lại bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh buôn bán. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường, nhiều lúc lòng đường cũng chật kín, muốn đi qua phải luồn lách khéo, rất nguy hiểm. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết triệt để tình trạng này để có vỉa hè thông thoáng hơn dành cho người đi bộ”.
W_anh-6a.jpg
Tại điểm dừng xe buýt cổng bệnh viện E (phố Trần Cung) nhiều tài xế xe ôm thường xuyên tận dụng điểm dừng đỗ xe buýt để dựng xe mời chào khách gây bức xúc cho người đứng đợi xe buýt.
W_anh-7a.jpg
Tương tự, tại điểm dừng xe buýt gần ngõ 297 Trần Cung, nhiều tiểu thương còn ngang nhiên căng ô vào cột chờ xe buýt để buôn bán. Hành khách đợi xe phải đứng ra lòng đường, gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông.
W_anh-8a.jpg
Nhiều người cao tuổi trong khu vực cho biết, đường ở đây hẹp, các điểm dừng xe buýt bị chiếm dụng, vào giờ cao điểm đường lại tắc khiến người cao tuổi lên xuống xe buýt gặp nhiều khó khăn.
W_anh-9a.jpg
Ngoài ra, khách đi xe máy tấp ngang vào mua hàng rất lộn xộn. Việc chiếm dụng vỉa hè này diễn ra thường xuyên, khiến người đi bộ phải di chuyển dưới lòng đường, có nguy cơ xảy ra tai nạn.
W_anh-10a.jpg
Ngoài tình trạng lấn chiếm để phục vụ cho lợi ích kinh doanh hàng quán, dịch vụ,... điểm chờ xe buýt tại đây, lại bất ngờ trở thành điểm tập kết rác thải.
W_anh-12a.jpg
Việc chiếm dụng điểm buýt không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn khiến hành khách phải đợi xe dưới lòng đường, điều này gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới trải nghiệm khi sử dụng dịch vụ công cộng của người dân.
W_anh-11a.jpg
Vào giờ cao điểm 2 xe buýt gặp nhau trên cùng tuyến phố Trần Cung khiến giao thông trở nên ùn tắc.
W_anh-13a.jpg
Đáng chú ý, việc chiếm dụng diễn ra khá phổ biến và thường xuyên nhưng khi lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát thì những người vi phạm lại thu dọn hiện trường rất nhanh nên không có căn cứ để xử lý.



.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Bị lấn chiếm, điểm dừng xe buýt tuyến phố Trần Cung chỉ còn biển báo