Hà Nội: Cần hơn 3.000 tỷ đồng để sửa chữa, thay thế cầu yếu, cầu tạm

Hoàng Thơ |22/10/2024 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sơ bộ nguồn vốn cần cho xây mới, sửa chữa 58 cầu do TP Hà Nội quản lý là 359,18 tỷ đồng, nguồn vốn dành cho 114 cầu ở địa phương là 2.694,24 tỷ đồng.

Theo Sở GTVT Hà Nội, trên nguyên tắc phân loại để sắp xếp thứ tự ưu tiên về hiện trạng cầu, tình trạng hư hỏng, xuống cấp; sự phù hợp về quy mô cầu và đường hiện trạng, quy hoạch…, Sở GTVT đã phối hợp với các địa phương thống kê những công trình cầu trên địa bàn TP, thống nhất phân loại cầu theo 3 nhóm.

Trong đó, nhóm 1 gồm các cầu cần đầu tư xây dựng mới thay thế cầu cũ (nhóm 1); nhóm 2 gồm các cầu cần sửa chữa, cải tạo (nhóm 2); nhóm 3 gồm các cầu cần theo dõi, kiểm tra duy tu định kỳ (nhóm 3).

Tính đến ngày 8/10/2024, Sở GTVT đã nhận được ý kiến trả lời đề xuất của 21/30 quận, huyện, thị xã và còn 9/30 đơn vị chưa có văn bản trả lời theo đề nghị.

Sau khi rà soát, nhóm 1 có 25 cầu do TP quản lý, 92 cầu địa phương; nhóm 2 gồm 16 cầu do TP quản lý, 18 cầu địa phương; nhóm 3 có 17 cầu do TP quản lý, 4 cầu địa phương.

Sơ bộ nguồn vốn cần cho xây mới, sửa chữa 58 cầu do TP quản lý 359,18 tỷ đồng, nguồn vốn dành cho 114 cầu ở địa phương là 2.694,24 tỷ đồng.

cau-yeu-6.jpg
Hà Nội cần hơn 3.000 tỷ đồng để sửa chữa, thay thế cầu yếu, cầu tạm

Theo đó, một số cầu do Thành phố quản lý sắp tới được ưu tiên sửa chữa gồm cầu Lủ (Hoàng Mai), Ngũ Xá (Ba Đình), Đông Yên (Quốc Oai); Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm); Suối Hai II (Ba Vì); Đen (Sóc Sơn); Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì); Thanh Quang (Hoài Đức); Đỗ Xá (Thường Tín)...

Đây đều là các cầu nằm trên tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn, được xây dựng từ lâu nên kết cấu xuống cấp, không đáp ứng được tải trọng. Hiện, các cầu này phải cắm biển hạn chế tải trọng, dẫn đến giảm khả năng thông hành của tuyến đường.

Các cầu thuộc cấp huyện quản lý đều là cầu tạm, khổ hẹp và đã xuống cấp, đa số chỉ đảm bảo một làn xe chạy hoặc đáp ứng nhu cầu cho xe thô sơ, xe máy qua lại. Cá biệt có nhiều cầu do người dân dựng lên, kết cấu tạm bợ, không ổn định. Một số cầu dạng này là Thủy Trú (Phú Xuyên); Đình (Ứng Hòa); Trung Hòa (Mỹ Đức); Gấu (Sơn Tây); Hà Lâm 1 (Đông Anh); Lương Phúc (Sóc Sơn)... cũng sẽ được sửa chữa, thay mới để đảm bảo ATGT.

Ngày 18/10, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 3477/UBND-ĐT chấp thuận chủ trương với nội dung đề xuất, kiến nghị của Sở GTVT theo danh sách rà soát lần 1.

Đối với các công trình cầu yếu do TP quản lý, UBND giao Sở KH&ĐT tham mưu, dự thảo quyết định của UBND TP giao nhiệm vụ cho Sở GTVT tổ chức lập, trình thẩm định phê duyệt đề xuất chủ trương đối với 25 cầu (nhóm 1, đợt 1).

Cập nhật, bổ sung danh mục vào kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp TP giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, báo cáo UBND trình HĐND TP xem xét, quyết nghị.

Sở Tài chính tham mưu, đề xuất ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế cho danh mục 16 dự án công trình cải tạo, sửa chữa thuộc nhóm 2 để Sở GTVT tổ chức thực hiện việc cải tạo, sửa chữa kịp thời và hoàn thành dứt điểm các danh mục này trong đầu năm 2025.

Sở GTVT phối hợp hợp chặt chẽ với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính trong việc tổ chức triển khai thực hiện danh mục 25 dự án nhóm 1 và 16 dự án nhóm 2. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiểm tra, đánh giá các công trình cầu khác còn lại để tổng hợp cập nhật, bổ sung đợt 2 danh sách các công trình cầu yếu cần xử lý (nếu có).

Chủ động cân đối nguồn lực đã được bố trí hàng năm để tăng cường công tác duy tu định kỳ, theo dõi danh mục các công trình thuộc nhóm 3. Rà soát tổng hợp hoàn chỉnh Chương trình tổng thể cải tạo, nâng cấp, xây dựng thay thế những công trình cầu yếu, cầu tạm trong giai đoạn 2024 – 2025 và các năm tiếp theo cùng với việc hoàn thiện danh mục đợt 2.

Đối với công trình cầu yếu do địa phương quản lý, giao UBND các quận huyện thị xã khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện, củng cố, thiết lập hồ sơ. Từ đó, thực hiện công tác kiểm định để làm cơ sở xác định cụ thể danh mục công trình thuộc (nhóm 1) và sắp xếp thứ tự ưu tiên thuộc nhóm này.

Chủ động tổ chức lập đề xuất chủ trương đầu tư trình Sở KH&ĐT thẩm định đối với từng dự án cụ thể làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Sở GTVT đề xuất, ngân sách TP sẽ hỗ trợ 100% cho các địa phương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đối với những công trình cầu xây dựng mới thuộc nhóm 1; ưu tiên bố trí kinh phí khoảng 60,34 tỷ đồng cho 8 địa phương (quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây, 6 huyện đã có danh mục đề xuất và được Sở GTVT tổng hợp) để sửa chữa ngay 18 công trình cầu.

Các công trình cầu thuộc nhóm 1 sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2024 - 2025 và thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2028; Các công trình cầu thuộc nhóm 2 (cải tạo, sửa chữa) hoàn thành dứt điểm trong năm 2025.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, việc bảo đảm an toàn công trình cầu giao thông là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Trong đó, cần quan tâm đến việc kiểm tra, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến kết cấu công trình phần dưới (móng, trụ cầu) bị ảnh hưởng bởi dòng chảy, biến đổi địa chất sau nhiều năm khai thác, vận hành để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp theo mức độ ảnh hưởng và yêu cầu kỹ thuật. Công tác này nhằm hạn chế tối đa các sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và những tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, khí hậu...

Bài liên quan
  • Lâm Đồng: 109 cây cầu yếu cần sửa chữa, thay thế
    Qua rà soát, Lâm Đồng hiện có 109 cầu yếu cần thay thế, sửa chữa, hầu hết các cầu này có kết cấu bằng sắt, gỗ, cầu treo, bê tông đã đầu tư xây dựng từ lâu, chủ yếu nằm trên tuyến đường dân sinh, đi vào vùng sản xuất của người dân địa phương.

(0) Bình luận
Video
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Cần hơn 3.000 tỷ đồng để sửa chữa, thay thế cầu yếu, cầu tạm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.