Hà Nội đề xuất đầu tư xây tuyến đường nối vành đai 3 với cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ

Ngọc Linh (t/h)|09/01/2020 04:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hà Nội vừa có đề xuất đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng làm đường nối Pháp Vân-Cầu Giẽ với vành đai 3, nhằm giảm ùn tắc nút giao Pháp Vân – cửa ngõ vào nội đô.

UBND TP Hà Nội vừa trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân-Cầu Giẽ với vành đai 3.

Theo nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đây là dự án nhóm A, Thủ tướng Chính phủ là cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là cấp quyết định đầu tư.

Địa điểm thực hiện dự án tại quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách thành phố, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2020-2022.

Hệ thống tuyến đường và nút giao kết nối trên nhằm mục đích giảm lưu lượng phương tiện tập trung về nút giao đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 hiện tại, giảm ùn tắc giao thông, được xem là một bộ phận công trình của tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, phục vụ, nâng cao năng lực lưu thông, hiệu quả hoạt động của tuyến đường cao tốc.

Nút giao thông Pháp Vân, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô.

Về quy mô đầu tư, dự kiến tuyến đường có chiều dài 3,4km (tính cả chiều dài các nút giao), bề rộng mặt cắt ngang đường chính 60m.

Việc triển khai tuyến đường này là cần thiết, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông khung của Thủ đô, tạo thêm tuyến đường kết nối, giảm tải lưu lượng cho Vành đai 3 và các trục đường hướng tâm vào thành phố; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam, Đông Nam trung tâm thành phố.

Các hạng mục chính bao gồm xây dựng nút giao bán hoa thị Tứ Hiệp; xây dựng đoạn tuyến từ nút giao Tứ Hiệp đến nút giao vành đai 3; xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, tổ chức giao thông trên tuyến đường chính, các nhánh kết nối và đường gom…

Tính toán từ báo cáo của thành phố Hà Nội cho thấy, tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 39,39ha, chi phí giải phóng mặt bằng sơ bộ dự kiến 1.039 tỷ đồng.

Phương án tái định cư được sắp xếp, bố trí trong quá trình triển khai dự án đầu tư, bảo đảm tuân thủ quy định và đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng.

Tuyến đường kết nối đường Pháp Vân-Cầu Giẽ với vành đai 3 được xác định là tuyến đường trục đô thị theo quy hoạch, có vai trò là một tuyến đường vành đai phía Nam của Thủ đô, hỗ trợ, phân bổ lưu lượng giao thông cho đường vành đai 3; kết nối các trục hướng tâm như cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, Quốc lộ 1, đường Nguyễn Xiển-Xa La, Quốc lộ 6, đường Lê Văn Lương…

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội đề xuất đầu tư xây tuyến đường nối vành đai 3 với cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.