Hà Nội: Đề xuất phương án cải tạo, nạo vét Hồ Gươm

Thảo Nguyên|16/02/2017 01:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Nước hồ Hoàn Kiếm hiện nay đang bị ô nhiễm, lớp bùn dưới tầng đáy có nơi dày hơn 1m, mật độ động vật trong hồ thấp – có xu hướng giảm dần… Hà Nội đề xuất phương án cải tạo trong 69 ngày, cũng như xây giếng khoan để cấp nước tại chỗ cho hồ.

ho-hoan-kiem-1487146712776

Hồ Hoàn Kiếm đang mất khả năng tự làm sạch

Mất khả năng tự làm sạch

Tại hội thảo cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm ngày 15/2, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, nước trong hồ Hoàn Kiếm có màu xanh lục, mật độ tảo lớn. Chất lượng nước hồ ngày càng một suy giảm, độ pH luôn ở mức cao, từ 9,05 đến 9,46.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, cặn lơ lửng trong hồ cao hơn tiêu chuẩn cho phép ở cả 5 vị trí quan trắc. Hồ đang trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ với BOD, COD gấp gần 2 lần so với quy chuẩn cho phép.

“Hồ Hoàn Kiếm đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm. Cá và động thực vật trong hồ chưa được bảo vệ và bổ sung đúng mức đã khiến chất hữu cơ đi vào lòng hồ không trở thành thức ăn mà biến thành chất ô nhiễm”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho hay.

Mật độ thực vật phù du thì có xu hướng tăng dần kéo theo hàm lượng oxy hòa tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhiều động thực vậy trong hồ.

Lớp bùn dưới đáy hồ Hoàn Kiếm cũng rất dày, có nơi lên đến hơn 1m, dẫn đến mực nước thấp chỉ còn 0,7-0,8m. Điều này, gây ảnh hưởng tới môi trường sống của những sinh vật dưới hồ do chứa nhiều kim loại nặng và khí độc.

Phương án “giải cứu”

Từ kết quả phân tích trên, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng, việc cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm là hết sức cấp bách.

20170215_150116

Sơ đồ mặt bằng tổ chức thi công cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm

Để “giải cứu” hồ, Công ty đã lên kế hoạch và đưa ra các phương án, đặc biệt nhấn mạnh đến 2 phương án nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ và xử lý, duy trì chất lượng nước hồ để xin ý kiến các chuyên gia, nhà chức trách.

Cụ thể, tổng khối lượng nạo vét là 57.400 m3, diện tích khu vực nạo vét bùn hơn 97.455 m2. Phạm vi nạo vét phải đảm bảo cách mép chân kè các công trình trên là 7m.

Công ty Thoát nước sẽ dùng máy xúc đứng trên ponton xúc bùn lên phễu chứa của xe bơm bùn công suất 80m3/h. Duy trì mực nước thường xuyên khoảng 2m, nhằm bảo đảm độ lắng đọng nước.

Việc thi công nạo vét sẽ được thực hiện 8 giờ/ngày, bắt đầu từ 21h30 và kết thúc 5h30 sáng. Trong quá trình thi công bảo đảm an toàn lao động, hạn chế tiếng ồn, dọn dẹp vệ sinh trước khi kết thúc ngày làm việc.

Khu vực đổ vật liệu nạo vét và phế thải là bãi C – Yên Sở, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, diện tích bãi thải 14,1ha. Bãi đổ thải cách hồ Hoàn Kiếm 13km.

Tổng thời gian thi công nạo vét và vận chuyển là 69 ngày (kể từ ngày bàn giao mặt bằng, giấy phép xây dựng) chưa bao gồm thời gian chuẩn bị máy móc và thời gian kiểm tra nghiệm thu.

Sau khi nạo vét, xây dựng 1 giếng khoan cấp nước tại chỗ cho hồ, công suất 150m3/h, chiều sâu giếng khoan 70m.

Thận trọng, đánh giá tác động

Đồng ý việc cải tạo hồ Hoàn Kiếm là cấp bách, PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, “nếu không làm ngay thì trước sau gì hồ cũng thành đầm lầy”.

Tuy nhiên theo ông Đức, phương án “giải cứu” phải thận trọng, không phải làm theo khoán, sử dụng máy móc “hùng hục” nạo vét mà phải làm thủ công để không ảnh hưởng đến môi trường nước.

“Trước hết, phải tiến hành điều tra tổng hợp, đánh giá lại hiện trạng hồ, chứ không nên lấy lại các báo cáo trước đó. Và nên chia ra 2, 3 giai đoạn để thực hiện. Sau mỗi giai đoạn phải đánh giá, kiểm tra lại”, TS Hà Đình Đức đề xuất.

“Đây là hồ tâm linh, hồ văn hóa, hồ cảnh quan”, TS Trần Đức Hạ (Khoa Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội) nhấn mạnh, “thà làm chậm còn hơn không làm, cần thiết phải xử lý ô nhiễm hồ Hoàn Kiếm”.

Theo ông Hạ, phương án xử lý phải bảo đảm chất lượng nước ổn định, đạt chỉ tiêu, kéo theo là hệ sinh thái cũng phải luôn ổn định. Nhất là, “phải giữ được đặc trưng thành phần thuỷ sinh, giữ màu xanh như hiện nay”.

PGS. TS Trịnh Thị Thanh, nguyên Chủ nhiệm Khoa Công nghệ sinh học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) cũng đồng ý phải nạo vét bùn, xử lý ô nhiễm hồ Hoàn Kiếm nhưng lưu ý phải nghiên cứu kỹ, đánh giá những tác động của nó đến hệ sinh thái.

Trước đề xuất của Công ty Thoát nước về việc lấy nước giếng khoan bổ cập vào hồ Hoàn Kiếm, theo PGS Thanh, việc này sẽ tác động lớn đến sự phát triển và khôi phục sinh thái trong hồ.

“Việc bổ cấp nước vào hồ Hoàn Kiếm mới chỉ đưa ra được một phương án, theo tôi cần phải thực nghiệm kỹ xem việc này có ảnh hưởng đến sự phát triển của tảo trong hồ hay không. Ngoài ra, sau cải tạo cũng cần phải duy trì sự cân bằng hệ sinh thái, trong đó có những loại gì, tỷ lệ là bao nhiêu cho phù hợp”, PGS Trịnh Thị Thanh nói.

Các chuyên gia cũng lưu ý thêm, không nên làm cấp tập trong 69 ngày nếu không sẽ rất nguy hiểm vì sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái hồ.

Thảo Nguyên


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Đề xuất phương án cải tạo, nạo vét Hồ Gươm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.