Tích cực hướng dẫn cách lựa chọn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sát sao trong công tác quản lý, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT) đã góp phần tác động, làm thay đổi tập quán canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân. Theo số liệu Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hiện nay mỗi huyện của Hà Nội trung bình chỉ sử dụng 0,2-0,3kg thuốc trừ sâu bệnh hóa học/ha/năm. Con số này chỉ bằng 1/10 mức sử dụng bình quân trên cả nước về bảo vệ thực vật.
Ảnh minh họa
Về phía Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội – đơn vị trực tiếp thực hiện chức năng nhiệm vụ này cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, nhân viên trồng trọt, bảo vệ thực vật cấp xã tham mưu cho UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuốc bảo vệ thực vật đến các chủ cửa hàng; phối hợp với UBND cấp xã tổ chức ký cam kết đối với 100% số cửa hàng buôn bán giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đơn vị cũng cập nhật các văn bản pháp luật in ấn thành bộ tài liệu cấp phát cho lãnh đạo địa phương và nhân viên bảo vệ thực vật cấp xã để nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Thời gian qua, thành phố đã tổ chức gần 2.000 lớp học về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) dài hạn và ngắn hạn trên cây lúa, rau…, cho nông dân. Thời gian tới, việc này tiếp tục được tổ chức để bổ sung, hỗ trợ kiến thức cho nông dân. Tại nhiều huyện, nông dân đã thuần thục cách quản lý sâu bệnh hại và hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng.
Một kinh nghiệm nữa trong quản lý sâu bệnh hại hiệu quả của Hà Nội là đã xây dựng được hệ thống “chân rết” cán bộ bảo vệ thực vật tới từng xã với khoảng 400 cán bộ tham mưu giúp việc UBND các cấp, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trồng trọt, bảo vệ thực vật… Tất cả nhân viên trồng trọt bảo vệ thực vật cấp xã đều được đào tạo về quản lý dịch hại thực tế trên đồng ruộng. Nhờ bám sát đồng ruộng, khi phát hiện sâu bệnh hại ở giai đoạn mới, cán bộ cơ sở cùng nông dân kịp thời xử lý ngay nên dịch bệnh không bùng phát trên quy mô lớn.
Bên cạnh đó, cần có quy định chặt chẽ về đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, loại bỏ những thuốc có độ độc cao, thời gian cách ly dài và có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cũng cần sớm ban hành hướng dẫn đơn giản thủ tục tiến hành cuộc thanh tra chuyên ngành; tăng mức xử phạt đối với hành vi buôn bán, sử dụng thuốc hết hạn sử dụng, thuốc cấm, thuốc không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam… nhằm tăng tính răn đe, hạn chế tình trạng tái phạm.
Tiến Minh