Hà Nội: Hàng loạt bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, một ngôi đền lịch sử có nguy cơ bị cuốn trôi

Mai An (t/h)|30/05/2020 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bên bờ sông Bùi, sông Đáy và sông Đà trên địa bàn các huyện Ba Vì, Chương Mỹ.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu vừa ký quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở tại bờ sông Đáy, sông Bùi (huyện Chương Mỹ và Quốc Oai), sông Đà (huyện Ba Vì), sông Cà Lồ (huyện Đông Anh).

Cụ thể, sạt lở bờ sông Bùi, sông Đáy trên địa bàn các xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ) làm nhiều bụi tre, cây cối, vật kiến trúc của 18 hộ dân bị sạt trượt xuống sông, làm nứt và đổ nghiêng 125m kè đá bờ sông tại khu vực khuôn viên đình Lưu Xá.

Sạt lở bờ sông Đáy trên địa bàn xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ) ảnh hưởng 66 hộ dân, nhiều nhà dân bị sụt lún công trình phụ.

Quần thể di tích đền Ba Voi nằm sát bờ sông Cà Lồ.

Sạt lở bờ sông Đà qua địa bàn xã Thái Hòa (huyện Ba Vì) dài khoảng 655m có nguy cơ ảnh hưởng đến 15 hộ dân sinh sống, hiện các vị trí sạt lở đang có xu hướng mở rộng và cách nhà dân 3-5m gây nguy hiểm cho các hộ dân.

Quần thể di tích lịch sử Ba Voi (H.Đông Anh, Hà Nội) đang phải đóng cửa vì bờ sông bên cạnh đang sạt lở, khiến nhiều hạng mục của di tích này bị nứt vỡ, sụt lún, có thể bị “nuốt chửng”.

Theo quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ hữu sông Cà Lồ của UBND TP.Hà Nội, khu vực sạt lở kéo dài từ đền Ba Voi đến cầu Phủ Lỗ, dài khoảng 200 m, khiến các công trình phụ trợ của di tích đã xuất hiện nhiều vết nứt xé, lún nền như: nứt, lún ở khu vực sân, các vết nứt xé trần bê tông ở công trình phụ trợ như nhà thờ Mẫu, nhà bếp và các công trình phụ trợ khác.

Đền Ba Voi (xã Nguyên Khê, H.Đông Anh, Hà Nội) được xây dựng từ thời nhà Lý, thờ các thần có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giúp vua Triệu Việt Vương khỏi ách thống trị của nhà Lương.

Năm 1947, giặc Pháp đã phá ngôi đền để lập bốt, xây cứ điểm. Đến năm 1992, nhân dân địa phương đã dựng lại ngôi đền để tiếp tục thờ cúng.

Qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, năm 2012, nhân dân trong vùng tiếp tục đóng góp, phục dựng lại ngôi đền Ba Voi theo lối kiến trúc cổ và tôn tạo thành một quần thể di tích, gồm: đền Ba Voi, đền Mẫu Thánh Tiên, chùa Tiên Phúc, nhà thờ Tổ Đường, tam tượng voi…
Ngày 6/9/2015, quần thể đền Ba Voi được UBND TP.Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Đền Ba Voi có nguy cơ bị ‘nuốt chửng’ nếu không được khắc phục, xử lý sự cố sạt lở kịp thời.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và công tác phòng chống thiên tai, UBND TP. Hà Nội đề nghị UBND huyện Ba Vì, Chương Mỹ ngăn không cho người dân vào khu vực sạt lở. Hạn chế tàu thuyền qua lại khu vực sạt lở và bố trí cán bộ trực theo quy định.

Bên cạnh đó, giao Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố. Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án xử lý giờ đầu theo phương châm 4 tại chỗ, không để sự cố phát triển thêm, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các công trình đê điều và các hộ dân sinh sống trong các khu vực sạt lở.

Về giải quyết sự cố sạt lở bờ sông Đà, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, thực hiện Dự án xử lý cấp bách đoạn từ bến phà cũ đến gốc Gạo thuộc xã Thái Hòa với chiều dài khoảng 655 m bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng Sở Tài chính thống nhất tham mưu UBND TP. Hà Nội cân đối bố trí vốn để thực hiện dự án khi đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định.

Mai An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hàng loạt bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, một ngôi đền lịch sử có nguy cơ bị cuốn trôi