Sáng 21/1, theo số liệu từ Cổng thông tin Quan trắc môi trường của thành phố Hà Nội cho thấy 5 điểm màu tím, có nghĩa là chỉ số AQI trên 200, tương đương với mức rất xấu, mức được khuyến cáo “mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng”.
Ảnh minh họa
5 điểm có chỉ số AQI cao nhất tại Hà Nội là: Điểm quan trắc tại trụ sở UBND xã Thanh Sơn (Sóc Sơn) – AQI là 208; trụ sở Công an phường Hàng Mã (AQI – 205) và đường Phạm Văn Đồng (AQI là 204); điểm trên đường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm) và Minh Khai (Bắc Từ Liêm) đều được đo là 202. Hơn 30 điểm quan trắc của Hà Nội đều có chỉ số AQI xấu (tập trung ở nội thành) và kém (ở ngoại thành). Nhiều điểm quan trắc chỉ số AQI tiệm cận 200 như: UBND phường Cầu Diễn, công viên hồ Thành Công, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Cùng thời điểm, trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ đặt ở Hai Bà Trưng ghi nhận AQI là 218, trạm của Tổng cục Môi trường ở Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) là 114. Trong khi đó, trang hiển thị của hệ thống quan trắc PamAir phủ một màu tím, biểu thị cho chất lượng không khí ở mức rất xấu. Cá biệt một số điểm màu nâu, mức nguy hại, như: Ngọc Thuỵ (Long Biên) là 423, Đại học Mỏ – Địa chất (Bắc Từ Liêm) là 357, Đê La Thành (Đống Đa) 329.
Liên tiếp có chỉ số AQI cao, trang AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ hai thế giới với chỉ số AQI trung bình là 213.
Trước thực trạng nêu trên, người dân cần hạn chế ra ngoài và nên đeo khẩu trang khi đi ngoài đường. Nhóm người nhạy cảm (người già, trẻ em và những người mắc bệnh về hô hấp) cần chủ động bảo vệ sức khoẻ trước thực trạng ô nhiễm.
Để cải thiện chất lượng không khí, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội đề nghị người dân hạn chế đốt rác thải, không sử dụng than tổ ong trong đun nấu hằng ngày; giảm sử dụng phương tiện cá nhân… Các cơ quan chức năng tăng cường xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường và điều tiết giao thông trong giờ cao điểm ở những khu vực thường xuyên ùn tắc.
Châu Anh