Hà Nội: Nhiều công trình, hoạt động gắn liền với kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô

Thu Trinh|09/10/2022 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022), nhiều công trình, hoạt động văn hóa nghệ thuật được hoàn thành và được tổ chức nhằm phục vụ đông đảo công chúng Thủ đô và du khách.

Tại thư viện Hà Nội:

sach.jpg
Trưng bày chuyên đề "Kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng thủ đô 10/10/1954 - 10/10/2022".

Từ ngày 6 - 15/10, tổ chức trưng bày Chuyên đề “Kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022)” tại địa chỉ 47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trưng bày gồm hơn 300 tài liệu, sách, báo được tuyển chọn theo 4 nội dung.

Trong đó, hai phần “Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo thắng lợi công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”, “Hà Nội - Mùa thu lịch sử” gồm các sách, báo, tài liệu khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả dân tộc.

Phần 3: “Bác Hồ với nhân dân Thủ đô” gồm những tác phẩm thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô.

Phần 4 trưng bày có nội dung “Hà Nội - 30 năm phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt” nhằm hưởng ứng tổng kết 30 năm phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” thành phố Hà Nội (1992-2022).

Trưng bày chuyên đề Kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là hoạt động văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân Thủ đô, đồng thời cũng là dịp tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về truyền thống cách mạng, truyền thống văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, khơi dậy tình yêu Hà Nội với hào khí, trí tuệ Thăng Long, khơi dậy khát vọng cống hiến, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.

Tại vườn hoa Lý Thái Tổ:

Từ ngày 7 - 9/10, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức Hội Sách Hà Nội lần thứ VII năm 2022 tại khu vực sân Nhà Bát Giác, vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng (từ tháp Hòa Phong đến đối diện vườn hoa Lý Thái Tổ) thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Với chủ đề “Truyền thống và Hội nhập”, Hội Sách Hà Nội lần thứ VII năm 2022 có sự tham dự của 35 nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách trong cả nước mang lại không gian văn hóa đọc và nhiều chương trình giao lưu, trải nghiệm sách hấp dẫn.

Hội Sách lần này có nhiều hoạt động ý nghĩa xoay quanh chủ đề về sách, trong đó nổi bật là hoạt động trưng bày, triển lãm sách với chủ đề “70 năm ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam” nhằm ôn lại truyền thống đầy tự hào của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam.

Hội Sách cũng tổ chức trưng bày, triển lãm sách với chủ đề “Thăng Long nghìn năm văn hiến”, phục vụ bạn đọc miễn phí hơn 200 đầu sách là các công trình nghiên cứu về kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự, ngoại giao thuộc Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” của Nhà xuất bản Hà Nội.

Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Vào ngày 8/10, Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thực hiện trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” với chủ đề “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Trưng bày được thể hiện qua các nội dung: Chiêu mộ hiền tài; Con đường khoa cử; Gương sáng tiền nhân; Lưu danh muôn thuở.

“Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” là chương đầu tiên trong câu chuyện dài mà 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long sẽ mang đến trong thời gian tới. Trưng bày lựa chọn giới thiệu 14 bia Tiến sĩ đầu tiên có liên quan đến các khoa thi trong giai đoạn 1442 - 1529, tương ứng với những khoa thi được tổ chức dưới triều Lê Sơ và kết thúc bằng khoa thi đầu tiên của nhà Mạc. Những bia Tiến sĩ còn lại sẽ tiếp tục được giới thiệu đến khách tham quan trong những cuộc trưng bày triển lãm sau này.

Cũng trong dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Cuộc thi Ảnh nghệ thuật “Hà Nội - Khát vọng phát triển” năm 2022 chào mừng 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972 - 18/12/2022).

Nội dung tác phẩm dự thi thể hiện đậm nét chủ đề và nêu bật được giá trị tiêu biểu của văn hóa Hà Nội, có thông điệp rõ ràng, góc nhìn mới lạ, độc đáo về Thủ đô Hà Nội - Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong truyền thống, hội nhập và phát triển với bề dày lịch sử; thiên nhiên tươi đẹp; con người anh hùng trong chiến đấu, cần cù trí tuệ trong lao động sản xuất, hào hoa thanh lịch trong giao tiếp ứng xử.

Tác phẩm dự thi được thể hiện dưới hình thức những tác phẩm ảnh đơn và ảnh bộ. Thời gian nhận tác phẩm từ nay đến ngày 15/11/2022; công bố trao giải và triển lãm các tác phẩm đạt giải vào tháng 12/2022.

Cùng với các hoạt động văn hóa, nhiều chương trình nghệ thuật cũng được tổ chức dịp này nhằm khơi dậy niềm tự hào, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân. Theo đó, vào 20 giờ ngày 8/10, tại Vườn hoa Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc Quyết sinh, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm sẽ diễn ra chương trình Âm nhạc mùa thu Hà Nội. Chương trình do Sở Văn hoá và Thể thao phối hợp với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức.

Vào 19h30, ngày 9/10 sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Khúc hát Hà Nội” tại sân khấu ngoài trời, số 7, Phùng Hưng, Hà Đông; tiếp đến, vào 19h30 sẽ diễn ra chương trình giao lưu, trình diễn nghệ thuật truyền thống (Ca trù, Hát văn, Hát Chầu văn, Múa rối nước) tại sân khấu Thủy Đình, số 7, Phùng Hưng, Hà Đông.

Tại Quận Đống Đa

Sáng qua, UBND quận đã tổ chức Lễ gắn biển Công trình tu bổ, tôn tạo Đình – Đền Hào Nam. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022). Tới dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng.

Di tích quốc gia Đình - Đền Hào Nam là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng của làng Hào Nam xưa, nay thuộc phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Đình thờ thành Hoàng làng Hào Nam - Linh Lang Đại vương, là vị thần giúp vua Lý đánh tan quân giặc nên được thờ ở nhiều nơi và được nhà vua phong là Thượng đẳng phúc thần.

Đây cũng là một trong các Di tích cách mạng trên địa bàn quận Đống Đa, là nơi hoạt động cách mạng của các cán bộ trong thời kỳ chống Pháp. Tại hậu cung của Đình - Đền đều có hầm bí mật, hỗ trợ cho việc cất giấu cán bộ cách mạng trong những năm kháng chiến.

Đình - Đền Hào Nam được xây dựng từ rất lâu nhưng kiến trúc hiện nay được xác định vào cuối thời nhà Lê - đầu nhà Nguyễn tức cách đây khoảng hơn 200 năm. Di tích đã có nhiều lần được tu sửa, nhưng trải qua nhiều thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, di tích đã bị xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Một số công trình phụ trợ cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Báo cáo quá trình triển khai thực hiện công trình, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp cho biết, để bảo tồn, gìn giữ một di tích tâm linh, lịch sử văn hoá quốc gia; đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi, bảo đảm an toàn cho Nhân dân địa phương và du khách đến tham quan sinh hoạt văn hóa giữa lòng Thủ đô, Dự án tu bổ, tôn tạo Đình - Đền Hào Nam đã được HĐND quận Đống Đa chấp thuận chủ trương đầu tư.

UBND quận đã ban hành Quyết định số 3814/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình với tổng mức đầu tư gần 59 tỷ đồng. Quy mô thực hiện công trình: Hạ giải các hạng mục xuống cấp và tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình kiến trúc hiện có của di tích, bổ sung các hạng mục công trình cần thiết cần có của di tích kiến trúc truyền thống.

Công trình được thi công với diện tích khu đất 5.542,9m², gồm các hạng mục chính như: Khu vực Đình, khu vực đền nhà Bà, khu di tích hầm cách mạng. Riêng khu Nhà bia liệt sĩ xây dựng mới, với diện tích khoảng 21,16m2. Nhà bia có kiến trúc 2 tầng mái 8 mái với các góc mái dâng cao.

“Sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư, đầu tháng 10/2021 đã tổ chức khởi công xây dựng công trình, thực hiện theo kế hoạch tiến độ đề ra. Tháng 9/2022, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian thi công so với kế hoạch đề ra” - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, công trình Tu bổ, tôn tạo Đình - Đền Hào Nam hoàn thành, bảo đảm đầy đủ các quy định về chất lượng, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; tiết kiệm chi phí quản lý năng lượng, chi phí vận hành và bảo trì.

Công tác giám sát đầu tư cộng đồng; an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ luôn được quan tâm và thực hiện nghiêm túc trong suốt quá trình triển khai thi công xây dựng. Công trình đã được các Sở, ban ngành chức năng nghiệm thu các hạng mục theo đúng hồ sơ thiết kế của dự án, đảm bảo các yêu cầu, quy chuẩn, tiêu chuẩn và phát huy hiệu quả sử dụng đúng mục đích, công năng.

Quận Tây Hồ

gan-bien-cva.jpeg
Các đồng chí lãnh đạo thành phố và quận Tây Hồ thực hiện nghi lễ gắn biển công trình.

Chiều qua, ngày 7/10, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội và UBND quận Tây Hồ tổ chức Lễ gắn biển công trình Dự án cải tạo, nâng cấp Trường THCS Chu Văn An. Đây là công trình cấp thành phố chào mừng 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022).

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng.

Báo cáo quá trình thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Trường THCS Chu Văn An cho thấy, công trình được xây dựng trên khu đất có diện tích 6.449m2. Trong đó, xây dựng mới khối nhà học, khối phục vụ học tập, sinh hoạt, phòng học bộ môn cao 5 tầng, diện tích xây dựng tầng 1 khoảng 2.760m2; xây dựng khối hiệu bộ và đa năng cao 4 tầng, diện tích xây dựng tầng 1 khoảng 1.031m2. Các khối công trình có chung tầng hầm với diện tích xây dựng khoảng 4.936m2, bố trí 39 lớp học và các phòng chức năng, đáp ứng nhu cầu học tập khoảng 1.500 học sinh.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp trường THCS Chu Văn An được chính thức khởi công từ tháng 1/2019 với tổng vốn đầu tư hơn 213 tỷ đồng.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 và các biến động của nền kinh tế trong nước và thế giới, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị có liên quan, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ đã khẩn trương thi công xây dựng và sau gần 2 năm, dự án đã hoàn thành theo tiêu chí trường chất lượng cao, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật. Đây cũng là công trình khang trang, hiện đại và là điểm nhấn về kiến trúc, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn đúng dịp khai giảng năm học mới 2022-2023.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các phòng, ban có liên quan, các nhà thầu trong công tác thiết kế, tổ chức thi công. Đồng thời cũng biểu dương sự phối hợp tích cực của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phường Thụy Khuê trong việc giám sát đầu tư, góp phần hoàn thành công trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đề nghị Ban Giám hiệu Trường THCS Chu Văn An quản lý, sử dụng cơ sở vật chất hiệu quả, đúng quy định. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng dạy và học qua đó xây dựng nhà trường trở thành cơ sở giáo dục tiêu biểu của quận Tây Hồ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nhiều công trình, hoạt động gắn liền với kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô