Ảnh minh họa
Ước tính tổng giá trị hàng hoá dự trữ phục vụ tiêu dùng của người dân Hà Nội trong dịp Tết 2019 đạt 28,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% do với kế hoạch dự trữ hàng hoá Tết năm 2018, được phân bổ giá trị vào các kênh sản xuất, phân phối gồm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; doanh nghiệp phân phối, kinh doanh thương mại và các chợ trên địa bàn.
Song song với việc triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thủ đô năm 2018, Sở Công Thương Hà Nội xây dựng Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. Theo đó, xác định nhóm hàng hoá cần sản xuất – kinh doanh phục vụ Tết trên địa bàn Hà Nội là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tăng cao dịp trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 gồm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, rau củ tươi, thuỷ hải sản; các mặt hàng nông lâm sản khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương; các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát; mặt hàng hoa quả tươi, cây cảnh, xăng dầu.
Dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết năm 2019 (tính cho 2 tháng) gồm gạo hơn 190 nghìn tấn, thịt lơn hơn 44 nghìn tấn, thịt gà 14,6 nghìn tấn, thịt bò hơn 12,3 nghìn tấn, trứng gia cầm 256 triệu quả; rau củ hơn 254 nghìn tấn, thủy hải sản hơn 11 nghìn tấn, nông lâm sản khô khoảng 3,5 nghìn tấn, khoảng 3 nghìn tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200 nghìn m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.
Ngoài các mặt hàng trên thì các mặt hàng về may mặc, điện máy cũng sẽ tăng do dịp cuối năm và dịp Tết nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng.
Sở Công Thương Hà Nội định hướng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hóa tăng từ 10-15% so với các tháng trong năm để tổ chức bán ra thị trường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tình trạng tồn kho hàng hóa sau Tết.
Để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững thành phố Hà Nội năm 2018; tổ chức các đoàn doanh nghiệp Hà Nội tham gia các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ nông sản tại Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn… thông qua đó các doanh nghiệp Hà Nội đã ký kết trên 400 biên bản ghi nhớ, hợp tác, đẩy mạnh kết nối và tiêu thụ sản phẩm…
Đồng thời, để đưa hàng hóa bình ổn đến người dân tại các khu vực nông thôn, khu công nghiệp, thành phố Hà Nội đã vận động doanh nghiệp tổ chức thực hiện trên 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu của nhân dân và người lao động.
Cùng với việc đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng được chú trọng, tập trung quyết liệt vào các ổ nhóm, cơ sở sản xuất hàng giả, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được Thành phố Hà Nội đẩy mạnh nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Nguyễn Ngân (t/h)