Hà Nội: Tăng 65%, thủ đô có thể là "điểm nóng" về sốt xuất huyết

Hạ Vy|10/07/2023 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đang bắt đầu tăng dần. Tính tới thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã tăng khoảng 65%.

10-sxh.jpg
Nhân viên y tế của Hà Nội đi kiểm tra, tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết tại các hộ gia đình

Từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã ghi nhận khoảng 40.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 8 ca tử vong; dịch đang có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương.

Tại Hà Nội, theo cơ quan chức năng, từ đầu năm nay đến giữa tháng 6/2023, Hà Nội đã ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố đang bắt đầu tăng dần. Tính tới thời điểm này, số ca mắc tại Hà Nội đã tăng khoảng 65%.

Năm nay, dịch sốt xuất huyết sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn.

TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhận định: “Dự báo thời gian tới, Hà Nội có thể sẽ là “điểm nóng” về sốt xuất huyết. Hiện dịch sốt xuất huyết hiện đang có dấu hiệu “đảo chiều” so với năm 2022; trong khi khu vực phía Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái thì miền Bắc lại có dấu hiệu gia tăng số ca mắc”.

Cũng theo TS. Nguyễn Văn Dũng, chu kỳ dịch hiện đã có sự thay đổi. Cụ thể, năm 2017, dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh với số ca mắc và tử vong rất cao; ngay sau đó đến năm 2019 và năm 2022 cũng có số ca mắc rất cao. Đây đều không phải là các chu kỳ 4 năm như quy luật trước đó.

“Sự thay đổi này cho thấy, dịch sốt xuất huyết hiện nay diễn biến tùy từng vùng, tùy từng miền, không theo một chu kỳ nào”, TS. Nguyễn Văn Dũng đánh giá.

Theo đó, nguyên nhân của sự thay đổi quy luật này là do diễn biến thay đổi của thời tiết khi mùa đông ở miền Bắc không quá lạnh, mùa hè quá nóng, mưa nhiều… Đây là cơ hội để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Mưa nhiều cũng sẽ tạo ra các ổ nước cho ổ bọ gậy phát triển, mật độ muỗi cao dẫn đến khả năng truyền bệnh cho con người cũng tăng lên.

Đặc biệt, hiện nay, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều đang tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Trong khi đó, người dân vẫn có thói quen tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ đã vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và bọ gậy phát triển, truyền bệnh.

Chủ động phòng dịch

TS. Nguyễn Văn Dũng cho rằng: Việc phòng chống dịch sốt xuất huyết rất phức tạp vì không chỉ dựa vào đội ngũ y tế, chính quyền địa phương mà còn phải dựa vào ý thức của người dân. Đặc biệt, sau dịch COVID-19, nguồn lực y tế dự phòng thay đổi, ngành y tế đối mặt với nhiều thách thức; người dân cũng cần chủ động hơn ngăn dịch lây lan để tránh gây gánh nặng cho hệ thống y tế.

Theo đó, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tạo thành dịch do virus Dengue gây ra; bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó, truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để phòng chống sốt xuất huyết, quan trọng nhất là người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại…

“Đặc biệt, người dân cần hiểu rằng muỗi vằn chủ yếu đẻ trứng trong các thiết bị đồ dùng chứa nước trong nhà, chỉ cần không có nước đọng thì không có muỗi truyền bệnh. Việc này chỉ có người dân mới làm được, mà không có đội ngũ y tế nào làm thay được”, TS. Nguyễn Văn Dũng khẳng định.

TS. Nguyễn Văn Dũng cũng lưu ý người dân, hiện trên thị trường có nhiều hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên người dân không nên tự mua về phun. Nếu có nhu cầu diệt muỗi, người dân nên liên hệ với các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra tình trạng muỗi kháng hoá chất.

Theo đó, việc phòng bệnh sốt xuất huyết vẫn chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt loăng quăng bọ gậy. Tại những nơi phát hiện ca bệnh sốt xuất huyết cần tiến hành phun hoá chất diệt muỗi trưởng thành, tránh dịch bệnh lan rộng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Tăng 65%, thủ đô có thể là "điểm nóng" về sốt xuất huyết