Hà Nội: Thêm điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phục vụ thị trường Tết

Hạ Vy|21/12/2022 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và thị trường quà tặng, quà biếu Tết Nguyên đán, Sở Công thương TP Hà Nội tổ chức nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Riêng quận Ba Đình, tới thời điểm hiện tại đã có 8 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong đó Điểm mới nhất gắn với phố đi bộ ở hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình.

san-pham-ocop.jpg
Điểm bán sản phẩm OCOP gắn với việc quảng bá nghề đúc đồng Ngũ Xã truyền thống.

Sở Công Thương TP Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình vừa tổ chức khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với nghề truyền thống đúc đồng Ngũ Xã có địa chỉ số 178 Trấn Vũ, quận Ba Đình.

Địa điểm có vị trí nằm trên đảo Ngọc - Ngũ Xã, là phố đi bộ và ẩm thực mới của Thủ đô, đây sẽ là nơi trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, nghề đúc đồng Ngũ Xã đến du khách trong và ngoài nước, góp phần phát huy, quảng bá giá trị văn hóa, nghệ thuật của các làng nghề truyền thống Thủ đô.

Phát biểu tại sự kiện, Phó chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng cho hay, trong năm 2021, 2022, UBND quận đã tổ chức 7 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn quận Ba Đình. Riêng với Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với nghề truyền thống đúc đồng Ngũ Xã ngoài việc lưu giữ những tinh hoa của nghề, xưởng đúc đồng Ngũ Xã của công ty TNHH đúc đồng truyền thống Ngũ Xã, đây cũng là gia đình duy nhất có 4 thành viên trong gia đình được công nhận là nghệ nhân cho những cống hiến đối với nghề đúc đồng.

Để Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP hoạt động đạt hiệu quả tốt, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận hành điểm giới thiệu và bán sản phẩm đảm bảo theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và chống gian lận thương mại. Quận Ba Đình sẽ tiếp tục rà soát, tìm kiếm các sản phẩm thuộc thế mạnh của quận để báo cáo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công Thương đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP trong những năm tiếp theo. Đồng thời, triển khai mở rộng xây dựng hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn đáp ứng tiêu chí theo quy định hiện hành, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm này.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh, việc mở Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với những địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, nông thôn, góp phần quảng bá, nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của Thủ đô và các tỉnh, thành phố. Thời gian tới, Sở Công Thương rất mong UBND quận Ba Đình tiếp tục vào cuộc, thông tin, vận động thêm các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có mặt bằng, vị trí phù hợp đăng ký tham gia Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Sở Công thương cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng Điểm OCOP trong hoạt động kinh doanh để chương trình OCOP có ý nghĩa thiết đối với các chủ thể OCOP và doanh nghiệp tham gia mạng lưới Điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn TP.

Trước đó, Sở Công Thương đã cùng UBND quận Ba Đình tổ chức khai trương, vận hành điểm OCOP tại cửa hàng Phúc Hậu Mart, phường Vĩnh Phúc, trưng bày, kinh doanh 70 nhóm sản phẩm OCOP về thực phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành.

Cũng nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và thị trường quà tặng, quà biếu dịp Tết Nguyên đán, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã mạnh dạn thiết kế, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm của mình để sẵn sàng nguồn hàng hóa đưa ra cung ứng thị trường.

san-pham-ocop1.png
Bánh đa vừng đen là một trong 253 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao của tỉnh Nghệ An.

Nghệ An có 253 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao. Trong số đó, rất nhiều sản phẩm đang góp mặt để thị trường Tết thêm sôi động như nhút, tương, giò bê, tảo xoắn, rượu mú từn, chả cá trích, gà Thanh Chương, cam Vinh, trà ướp bông sen, trà hoa vàng, chè tuyết shan, chè vằng nguyên chất, tinh bột sắn dây, tôm bóc nõn, cá thu nướng… Đa số sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu, bán tại các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Posmart.vn...

Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh thực phẩm Lương Sơn, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương, cơ sở sản xuất bánh đa vừng đen và gần 15 loại sản phẩm được sản xuất từ bánh đa.

Anh Nguyễn Bá Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh thực phẩm Lương Sơn chia sẻ: Bánh đa Lương Sơn được làm từ bột gạo, tiêu, tỏi và các gia vị khác, từ lâu đã là món ngon được ưa thích trên cả nước, đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện tại công ty có gần 15 loại sản phẩm được sản xuất từ bánh đa, đặc biệt công ty vừa hoàn thiện và sản xuất thành công sản phẩm mới như bánh đa gạo lứt phục vụ thị trường Tết. Để kịp cung ứng số lượng đơn hàng cho đối tác, công ty đang tăng tốc hết công suất máy móc và thuê thêm nhân công sản xuất cả ngày nghỉ cuối tuần.

Ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế lô-gô, bỏ kinh phí in bao bì, nhãn mác, xin cấp mã vạch, bánh đa Lương Sơn được đóng gói bằng một lớp bóng kính, có hộp giấy đẹp và tem nhãn ghi đầy đủ thành phần, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng, nơi sản xuất… Chính điều này, tạo nên thương hiệu, uy tín cho sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm bánh đa Lương Sơn “có tiếng” khắp cả nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản...

Hiện công ty đã liên kết được với 2.000 đại lý lớn, nhỏ, 350 cộng tác viên trên cả nước, tiêu thụ ổn định khoảng 40 triệu sản phẩm/năm, doanh thu trên 14 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động.

Ngoài việc tăng sản lượng để kịp phục vụ thị trường Tết, những cơ sở sản xuất tại các làng nghề luôn chú trọng chất lượng nhằm giữ uy tín với khách hàng và xây dựng thương hiệu đặc sản của địa phương.

Gia đình chị Nguyễn Thị Dung là một trong những hộ gia đình làm nghề bánh cà lâu năm tại làng Đông, xã Hưng Tân. Thay vì sản xuất thủ công truyền thống, năm nay gia đình đầu tư hơn 15 triệu đồng để trang bị máy trộn bột giải phóng sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Sản phẩm bánh cà của gia đình từ lâu được người tiêu dùng trong và tỉnh biết đến bởi hương vị thơm ngon. Chỉ tính riêng từ tháng 8 tới nay, gia đình đã cung cấp ra thị trường gần 4 tấn bánh cà, sau khi trừ chi phí cho lãi ròng hàng trăm triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Dung cho biết: “Trung bình mỗi ngày, chúng tôi sản xuất 6-7 yến sản phẩm bánh cà các loại, riêng từ tháng 10 tới dịp cận Tết, sản lượng tăng lên 1 tạ sản phẩm/ngày. Thời điểm này, nhân công tại cơ sở tăng ca liên tục với mức thu nhập tăng thêm nửa ngày lương. Chúng tôi đang có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động để kịp sản xuất”.

Để làm ra mẻ bánh cà đạt tiêu chuẩn, người làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn công phu tỉ mỉ. Bánh cà được làm từ các nguyên liệu chính là bột nếp, trứng gà và đường cát trắng cùng gừng tươi để tạo nên hương vị đặc trưng riêng vừa giòn tan, thơm ngon. Đặc biệt bột phải được nhồi kỹ đến độ mềm mịn dẻo, cho vào vắt và vo tròn, rồi rán đến độ vàng tươi. Tùy theo thị hiếu của người tiêu dùng, người làm bánh có thể điều chỉnh độ ngọt và thêm các nguyên liệu khác. Để tạo ra sản phẩm bánh đạt tiêu chuẩn, người làm bánh phải tuân thủ nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đến nay xã Hưng Tân có hơn 100 hộ sản xuất bánh cà quanh năm, chiếm gần 70% số hộ trong làng. Bánh cà Hưng Tân không chỉ được người dân trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh thành trong cả nước. Việc phát triển làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Hưng Tân cho biết: “Tết năm nay, ngoài sản phẩm bánh cà truyền thống, làng nghề còn “tung” ra thị trường nhiều sản phẩm mới như bánh cà gấc, bánh cà sen, bánh quẩy, bánh cà bột ớt kim chi là những dòng sản phẩm tiềm năng của làng nghề đang được xã xây dựng sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2023”.

Trong những mặt hàng OCOP của Nghệ An phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023, các sản phẩm được chế biến từ sen của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sen quê Bác được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Bộ sản phẩm OCOP “Sen quê Bác” đang trên đường trở thành thương hiệu sản phẩm Quốc gia.

Anh Phạm Kim Tiến – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sen quê Bác chia sẻ: Hợp tác xã đang trồng, chăm sóc, bảo tồn và cung ứng trên 100 giống sen khác nhau. Hiện có 15 sản phẩm được chế biến từ sen. Trong số đó, có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao gồm trà tâm sen, hạt sen sấy, trà ướp bông sen, trà liên tu và 5 sản phẩm OCOP 3 sao khác được đưa vào hộp quà Tết, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Ðẩy mạnh các kênh bán hàng

Theo anh Tiến, hợp tác xã dự trù cung ứng 5.000 hộp quà Tết ở 3 mức giá khác nhau. Ðể chuẩn bị nguồn hàng, từ nhiều tháng trước, hợp tác xã đã đẩy mạnh hoạt động thu mua, chế biến nguyên liệu, tuyển dụng thêm lao động thời vụ để tham gia các hoạt động hội chợ Tết, các chương trình quảng bá sản phẩm ở nhiều tỉnh, thành. Hiện hợp tác xã đang mở rộng nhiều kênh phân phối qua các đại lý, tiếp cận với phương thức bán hàng trực tuyến, đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử và xuất khẩu ra nước ngoài.

Được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2021, sản phẩm cam Hương Hóa của hộ sản xuất Lê Thị Hương ở thôn Đỉnh Hợp, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn cũng là một trong những mặt hàng “đắt khách” dịp Tết Nguyên đán. Trong 2 ha cam trồng theo hướng hữu cơ, đạt chuẩn VietGAP thì khoảng 1/2 diện tích là giống cam chín muộn phục vụ Tết Nguyên đán với sản lượng khoảng 10 tấn.

“Giống cam chín bán Tết chủ yếu là cam Xã Đoài lòng vàng nên được thị trường ưa chuộng. Cam chín vào dịp Tết nên bán giá cao hơn. Dòng cam này chủ yếu để trưng bàn thờ, làm quà biếu Tết nên chúng tôi cũng đầu tư nhãn mác, đóng gói vào thùng giấy đẹp; có tem truy xuất nguồn gốc. Hiện lượng cam Tết đang “treo cây” nhưng đã có khách đặt hàng cả rồi”, chị Lê Thị Hương cho biết.

Không chỉ hương trầm, nhiều hộ sản xuất các đặc sản mang hương vị miền núi như lạp xưởng, thịt chua, măng muối, bò giàng, lợn gác bếp cũng đã chủ động nguồn hàng để phục vụ dịp Tết Nguyên đán, nhất là vào thời điểm cận Tết khách hàng đặt mua số lượng nhiều hơn ngày thường.

“Năm nay Tết Nguyên đán đến sớm hơn mọi năm, vì vậy ngay từ thời điểm này, gia đình đã sẵn sàng nguồn nguyên liệu gấp đôi ngày thường phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng khi chọn quà biếu, gia đình cũng thực hiện hút chân không sản phẩm, đóng gói thành giỏ quà Tết, mức giá dao động từ 200.000 - 2 triệu đồng/giỏ, với nhiều hình thức mẫu mã đẹp, bắt mắt, phù hợp với mục đích sử dụng”, chị Trương Thị Bảo ở bản Minh Tiến, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu cho biết.

Nghệ An có 253 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao trong đó, rất nhiều sản phẩm đang góp mặt để thị trường Tết thêm sôi động.

Ngoài việc hỗ trợ cho các chủ thể mới xây dựng các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, thời gian qua các địa phương trên địa bàn Nghệ An còn hỗ trợ các chủ thể đã được công nhận về quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm để có điều kiện thăng hạng, cũng như tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt trong dịp Tết này, các chủ thể sản phẩm OCOP còn mạnh dạn quảng bá, tiếp thị sản phẩm dưới dạng hình thức quà tặng để tiếp cận với thị trường. Các sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận OCOP đều được đưa đi xúc tiến thương mại nên sản lượng bán ra tăng từ 50-60% so với trước đó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Thêm điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phục vụ thị trường Tết