Hà Nội xây dựng cống ngầm gom nước thải, hồi sinh sông Tô Lịch

Mai An|19/05/2020 10:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hơn 11 km cống được làm dưới lòng sông, điểm sâu nhất lên đến 19 mét và dự kiến hoàn thành sau bốn năm, được kỳ vọng sẽ giải quyết tận gốc vấn đề nước sông Tô Lịch

Chiều 18/5, UBND Hà Nội tổ chức lễ động thổ gói thầu xây dựng hệ thống cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch.

Hệ thống cống gom nước thải dài 21 km, trong đó có hơn 11 km đi ngầm dưới lòng sông (từ đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, đến cầu Quang, huyện Thanh Trì).

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội cho biết, trong quá trình rà soát thiết kế dự án đã điều chỉnh phương án đặt cống từ dưới lòng đường hoặc hai bên bờ sông xuống dưới lòng sông. Việc này được cho là giúp giảm thiểu xung đột hệ thống công trình ngầm và không phá vỡ công trình, tiện ích, hạ tầng đô thị hiện có.

Thành phố đã lựa chọn một công ty của Nhật Bản triển khai gói thầu xây dựng hệ thống bao cho sông Tô Lịch. Các kỹ sư Nhật Bản sẽ trực tiếp thực hiện dự án với tổng tiến độ thi công dự kiến trong 48 tháng.

Hệ cống gom nước thải dẫn về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là một trong bốn gói thầu xây lắp của dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội.

Sông Tô Lịch nhìn từ trên cao.

Dự án được khởi công năm 2016, bao gồm một nhà máy có công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài trên 52 km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 16.000 tỷ đồng.

Sau bốn năm khởi công, hiện gói thầu số một xây Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang thi công bể phản ứng bùn hoạt tính, bể lắng thứ cấp, trạm bơm nước thải đầu vào, cống xả, nhà máy xử lý bùn, nhà xử lý nước tái sử dụng…

Gói thầu số 2 và 3 xây hệ thống cống gom nước thải ở sông Tô Lịch và sông Lừ được động thổ cùng ngày 18/5/2020.

Gói thầu số 4 xây hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới, hiện nhà thầu đã thi công các hạng mục đào mở (hai tuyến cống tại Học viện quân y và Khu đô thị Đại Thanh).

Ban quản lý dự án cho hay, đến năm 2022 sẽ cơ bản hoàn thành các hạng mục chính của dự án.

Trước tình trạng ô nhiễm ở sông Tô Lịch, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng này. Có thể kể đến vào năm 2014, Sở TN&MT đã tuyên truyền, khuyến khích các hộ sử dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn trước khi thải ra sông. Cuối năm 2018, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đưa ra phương án dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô Lịch. Sau đó là Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản hay Redoxy3C… Tuy nhiên, đa số các phương án chỉ xử lý được hiệu quả trong một khu vực hoặc một khoảng thời gian nhất định.

Mai An

Bài liên quan
  • Bàn giao máy lọc nước cho người dân vùng hạn mặn
    Moitruong.net.vn – Ngày 16/5, Dự án “Ngày nước tái sinh” đã trao tặng ba hệ thống máy lọc nước nhiễm mặn Makano thành nước ngọt cho xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) và xã Nam Yên, Tây Yên A (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội xây dựng cống ngầm gom nước thải, hồi sinh sông Tô Lịch