Hà Nội: Xử lý dứt điểm vi phạm đê điều, thủy lợi nổi cộm

Hoàng Anh|19/04/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành chỉ thị các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quán triệt nguyên tắc 'Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả'; thực hiện hiệu quả phương châm '4 tại chỗ'.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố chỉ thị các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố tiếp tục quán triệt công tác chỉ đạo, điều hành theo nguyên tắc cơ bản “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”; chú trọng công tác xây dựng, thường xuyên rà soát, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ để sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.

vi-pham-de-dieu.jpg
Xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi

Cùng với nhiệm vụ trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tăng cường truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn, diễn tập và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...

Về nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố chỉ thị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và tổ chức thực hiện phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2023; phương án bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi; phương án ứng phó ngập, lụt... Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo xây dựng phương án chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...

Các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, xác định những khu vực nguy hiểm trên địa bàn; xây dựng phương án bảo vệ tính mạng, tài sản, hoạt động sản xuất của nhân dân trước khi thiên tai, sự cố có thể xảy ra.

Các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức... phải đặc biệt lưu ý phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất; dự trữ lương thực, thuốc men, cây, con giống, hàng hóa, vật tư thiết yếu để sẵn sàng hỗ trợ bảo đảm đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra.

Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ thị các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, an ninh, trật tự an toàn xã hội... tồn đọng trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật; phát hiện và có giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm mới phát sinh, bảo đảm an toàn hệ thống công trình phòng, chống lũ, lụt, phòng cháy, chữa cháy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vi phạm đê điều, thủy lợi nổi cộm