Trang trại nuôi lợn nằm kề khu dân cư
Được biết, đây là một trại chăn nuôi lợn khá lớn nằm trong khu dân cư tại xã Kim Hoa. Theo người dân phản ánh, lúc cao điểm, trang trại này nuôi khoảng 2 nghìn con lợn và việc môi trường xung quanh bị ảnh hưởng đã từng diễn ra.
Ghi nhận của PV Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, trang trại nuôi lợn này nằm phía cuối thôn Hương Thủy, một bên là cánh đồng trồng hoa màu, bao quanh là những con suối nhỏ, phía trên trại có một đập nước. Cửa trang trại hướng ra mặt tiền đường liên huyện, nối 2 tuyến quốc lộ.
Ông T.V.V. người dân sống tại thôn Hương Thủy cho biết: “Trang trại nằm phía thượng nguồn thôn, có khe, suối chảy qua. Có đợt, họ đón mưa để xả thải nhưng trời không mưa, chất thải chảy ra khe đen thui, mấy ngày sau đó phải xả đập để xử lý”.
Thực trạng phần lớn các khe, suối chảy qua khu vực trang trại đều đổ về sông Ngàn Phố, nơi cung cấp nước máy sinh hoạt cho người dân.
Theo chân những người dân địa phương tình nguyện dẫn đường cho PV, chúng tôi đã có mặt tại khu vực được cho là điểm từng xả thải của trại lợn. Bên dưới hàng rào dây thép gai bao quanh khu vực phía sau trang trại là một khe nước, gọi là khe Lạc. Nếu không phải mùa mưa lũ, nước khe chảy chậm, từng đoạn có màu đen, có chỗ lẫn màu vàng nâu, lợn cợn.
Việc chất lượng nước trong khe Lạc có ô nhiễm hay không, nguyên nhân nước có màu đen, nâu, vàng là do đâu? Điều này đòi hỏi có câu trả lời từ công tác giám định, quan trắc của ngành chuyên môn. Nhưng điều không thể chối cãi là đi quanh khu vực khe và trang trại, thậm chí ngồi trong nhà những người dân gần đó thì sặc mùi hôi thối phân gia súc.
Ông Đoàn Q., sống tại thôn Kim Hoa cho biết: “Trang trại này nằm đầu nguồn nước, lại trong khu vực dân cư. Trại nằm bên đường, gần xung quanh là nhà dân. Trước đây môi trường ở đây rất trong lành, nhưng sau khi xuất hiện trang trại lợn khiến không khí ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Nhiều năm nay dân chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm, mùi hôi thối bốc nồng nặc”.
Bà N.T.L, vợ ông Q. chia sẻ: “Khổ lắm, dân chúng tôi kêu nhiều rồi nhưng đâu vẫn vào đấy, chẳng thay đổi được gì. Khổ nhất là mỗi khi bưng bát cơm, chén nước lên miệng mà không dám ăn vì mùi thối từ trại lợn như nghẹt thở”.
Ghi nhận ý kiến từ người dân tại khu vực này cho biết, họ bị tra tấn bởi không khí thường xuyên ô nhiễm mùi hôi thối, nước dưới khe ô nhiễm không ai dám lội. Người dân đã nhiều lần phản ánh, có những cuộc họp tổ chức ghi nhận ý kiến người dân bằng văn bản, gửi các cấp chính quyền địa phương, nhưng rồi mọi chuyện chìm trong yên lặng.
Chính quyền địa phương nói gì?
Liên quan đến việc người dân phản ánh trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, sau nhiều lần liên hệ và chờ đợi, PV đã có buổi làm việc với ông Phan Văn Đoài, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa.
Ông Đoài thừa nhận, có tồn tại việc ô nhiễm mùi trong không khí, trang trại này thỉnh thoảng còn “chảy chất thải ra bên ngoài”.
Ông Đoài lý giải, những lần chất thải chảy ra môi trường là do tác động của thiên tai gây rò rỉ, vỡ hầm chứa, thì “Khi người dân phản ánh, xã đã lập đoàn đến kiểm tra và yêu cầu trang trại khắc phục. Riêng việc ô nhiễm mùi bình thường không xảy ra, nhưng nếu thời điểm bị rò rỉ chất thải cộng thêm việc thay đổi thời tiết thì mới nghe mùi”.
Khi PV nêu việc người dân cho rằng trang trại này lợi dụng trời mưa để xả thải. Ông Đoài cho rằng, có thể đây là sự trùng hợp, do lúc xảy ra rò rỉ, hoặc vỡ hầm chứa lại trùng hợp vào… đợt mưa.
“Chúng tôi đã làm việc với họ (trang trại - PV) nhiều lần, và những lần có sự cố họ đều khắc phục rất triệt để, nghiêm túc, kịp thời chứ họ không lợi dụng đâu”.
Cũng theo ông Đoài, khu trang trại này được xây dựng 2 trại bên trong, mỗi trại thiết kế được nuôi 500 con lợn, còn thực tế họ nuôi bao nhiêu thì không biết. Về khoảng cách, nhà dân gần nhất trang trại cách khoảng 1 cây số.
Nhưng trên thực tế, theo ghi nhận của PV, khoảng cách từ hộ dân gần nhất với trang trại chỉ khoảng 100m.
Ông Đoài thông tin thêm, mô hình trang trại này được quy hoạch và xây dựng nhằm phục vụ phát triển kinh tế chăn nuôi tại địa phương. Sau đó vì các yếu tố nhân lực, nguồn vốn, trang trại không thể tiếp tục hoạt động nên mấy năm gần đây trang trại này được chuyển nhượng cho người nơi khác làm.
Ông Đoài cũng khẳng định, hằng năm xã có thành lập đoàn kiểm tra môi trường theo định kỳ. Còn nếu có phản ánh thì sẽ lập đoàn kiểm tra đột xuất và yêu cầu trang trại khắc phục.
Khi được đề nghị cung cấp biên bản những lần đi kiểm tra, ông Đoài nói đang lưu tại văn phòng Ủy ban nhưng “do hôm nay anh em đi thu thuế quỹ nên không cung cấp được”.
Sau đó, phải mất rất nhiều thời gian và nhiều lần đề nghị, ông Đoài mới cung cấp được một văn bản ghi “Biên bản kiểm tra thực địa trang trại chăn nuôi” được lập vào ngày 25/5/2023. Nội dung ghi nhận trang trại đảm bảo quy định, quy mô gồm 4 chuồng, nuôi 1800 con lợn. Biên bản yêu cầu “Chủ trang trại thường xuyên vận hành, kiểm tra xử lý môi trường, hạn chế mùi bay ra, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Phía ngoài các bể lắng, trồng thêm cây xanh, nhằm hạn chế mùi bay ra ngoài môi trường”?
Để khách quan trong việc phản ánh, PV cũng đã liên hệ với chủ trang trại là hộ bà Hoàng Thị Xuân và hộ bà Trần Thị Thanh Huyền theo số điện thoại do chủ tịch xã Kim Hoa cung cấp. Qua điện thoại bà Huyền nói “Em hãy liên hệ với chủ trại mới, chị bán bán trang trại này rồi”. Khi PV hỏi chủ trại mới là ai thì bà Huyền trả lời không biết, chỉ biết “bán cho nhà ai ngoài Nghệ An”. Riêng bà Xuân thì không thể liên lạc.
Trả lời về nội dung phản ánh trại lợn gây ô nhiễm, đại diện Phòng TNMT huyện Hương Sơn cho biết, 2 trang trại của hộ bà Huyền và bà Xuân có quy mô 1.800 con lợn (mỗi trại nuôi 900 con), các trang trại này được cấp phép năm 2015.
“Hằng năm chúng tôi có kế hoạch và thành lập đoàn về kiểm tra, nếu phát hiện sai đâu thì xử lý đó. Về sự cố môi trường, nếu nói để anh em phát hiện trực tiếp thì không thể vì rất khó, chỉ có người dân hoặc xã báo lên. Theo báo cáo của xã, trang trại trên đã một vài lần trào, chảy nước thải sau đó chúng tôi trực tiếp xuống kiểm tra, chấn chỉnh”, đại diện phòng TM&MT huyện Hương Sơn nói.
Theo thông tin của phòng TM&MT huyện Hương Sơn cung cấp, năm 2020, hai trang trại trên đã từng vi phạm về môi trường, đã bị UBND huyện Hương Sơn kiểm tra, ra văn bản xử lý và tạm đình chỉ hoạt động để khắc phục các tồn tại.
Hiện trên địa bàn toàn huyện có 30 trang trại đang hoạt động; quy mô nhỏ và vừa; quy mô chăn nuôi các trang trại từ 500 - 1.200 con. Hàng năm, UBND huyện Hương Sơn đều thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm về môi trường. Cụ thể, năm 2018 xử phạt 10 trang trại với số tiền 100 triệu đồng; đình chỉ 22 trang trại; năm 2020 xử phạt 8 trang trại với số tiền 80 triệu đồng và đình chỉ 10 trang trại.
Trong khi dư luận người dân địa phương đang trông chờ vào những giải pháp tích cực hơn từ phía chính quyền, thì hiện tại, họ vẫn phải sống chung với mùi ô nhiễm nặng nề của trang trại lợn, mà trang trại này đang có dấu hiệu vi phạm quy định về khoảng cách do nằm sát khu dân cư.
Tạp chí Môi trường và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Trao đổi với PV Môi trường và Cuộc sống, Luật sư Trần Đình Dũng, Trung tâm tư vấn pháp luật TP.HCM, đoàn luật sư TP.HCM phân tích:
Điều 21 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP quy định quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm như sau: Chăn nuôi trang trại quy mô lớn từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên; chăn nuôi trang trại quy mô vừa từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi; chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi; chăn nuôi nông hộ dưới 10 đơn vị vật nuôi.
Cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường đến khu dân cư, chợ, trường học, bệnh viện…
Cụ thể, khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 100m; trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu là 150m. Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô vừa đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 200m; trường học, bệnh viện, chợ nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu là 300 mét.
Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô lớn đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 400m; trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu là 500m. Khoảng cách giữa 2 trang trại chăn nuôi của 2 chủ thể khác nhau tối thiểu là 50m.
Như vậy, căn cứ theo đó thì trang trại chăn nuôi trên thuộc quy mô lớn, do đó phải đảm bảo các yêu cầu về thiết kế cũng như khoảng cách đã được luật, văn bản luật quy định.
Về hình thức xử lý Căn cứ theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo đó:
"Điều 4. Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt:
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức."
Tùy vào mức độ vi phạm, cơ sở chăn nuôi có thể bị xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép môi trường của cơ sở đối với cơ sở đã được cấp giấy phép môi trường từ 03 tháng đến 09 tháng; Tước quyền sử dụng giấy phép môi trường của cơ sở đối với cơ sở đã được cấp giấy phép môi trường từ 06 tháng đến 09 tháng.
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra, đồng thời chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại cho cơ quan tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại môi trường đã ứng trước kinh phí.
Trường hợp có từ 2 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trở lên làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường, trách nhiệm chi trả chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được xác định tương ứng với tỷ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại đối với môi trường.
Ngoài ra, Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí kinh tế trang trại. Các trang trại phải quy hoạch cách xa khu dân cư, đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý chất thải, nước thải bằng máy tách ép phân, hầm biogas, hệ thống điều hòa thoáng khí...