Tài nguyên và phát triển

Hải Dương: Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Phúc Minh 01/01/2025 18:30

Ngày 30/12/2024, đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã ký văn bản chỉ đạo về phòng chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn chủ trì, phối hợp các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương dọn dẹp, thu gom cây rừng bị gẫy, đổ, bị chết, thực bì và các vật liệu gây cháy xung quanh các khu di tích lịch sử trên địa bàn Chí Linh, Kinh Môn để giảm thiểu nguồn vật liệu có thể gây cháy rừng; thời gian hoàn thành xong trước ngày 15/1/2025.

hai-duong.jpg
Lực lượng Công an TP Chí Linh tham gia chữa cháy rừng. Ảnh báo Hải Dương

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tham mưu ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh “Quy định thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng trên địa bàn tỉnh Hải Dương” theo quy định tại Nghị định số 140/NĐ-CP ngày 25/10/2024 của Chính phủ về thanh lý rừng trồng, làm căn cứ để xử lý diện tích rừng bị thiệt hại do thiên tai gây ra; chủ trì, phối hợp UBND TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn khẩn trương tổ chức rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của từng loại rừng do bão số 3 (hoàn thành trước ngày 15/1/2025) và tổ chức khai thác tận dụng, tận thu lâm sản bị thiệt hại do thiên tai theo quy định.

Chủ tịch UBND TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và các chủ rừng thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh. Trong đó tập trung vào một số nội dung sau: UBND cấp xã, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn bố trí lực lượng, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”; huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết để chữa cháy kịp thời khi xảy ra cháy rừng; cập nhật, báo cáo kịp thời tình hình cháy rừng trên địa bàn về UBND cấp huyện để nắm bắt, chỉ đạo xử lý kịp thời; tổ chức khắc phục hậu quả do cháy gây ra.

Phải xác định công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian cao điểm về cháy rừng; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Thường xuyên theo dõi, thông tin kịp thời cấp dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nội quy sử dụng lửa trong rừng, ven rừng và tình hình cháy rừng trên hệ thống phát thanh, truyền hình của địa phương để cấp ủy, chính quyền cơ sở, chủ rừng, các ban quản lý di tích và nhân dân nắm được, chủ động trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Kiểm tra đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.

Rà soát các kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương, bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, tổ chức huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất.

Lực lượng Công an tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân, đối tượng vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị, chính quyền địa phương để xảy ra cháy rừng mà không phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hải Dương: Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.