Thông tin từ UBND xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) ngày 8/1 cho biết, bãi cọc phát lộ tại cánh đồng Cao Quỳ hiện được chôn lấp để bảo tồn. Đến ngày 6/1, 3 hố khai quật đã được lấp xong.
Cùng với đó, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng khẳng định, việc tiếp tục nghiên cứu, xác định các giải pháp thăm dò, khảo cổ bãi cọc Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên là rất quan trọng và cần thiết. Do đó, yêu cầu các ngành Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị khác liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch trong khu vực và có phương án bảo quản, phát huy giá trị.
Phát lộ bãi cọc dự đoán từ trận đánh Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288.
Trước đó, từ ngày 27/11/2019 đến ngày 19/12/2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật 3 hố rộng 950 m2 và phát hiện 27 chiếc cọc tại cánh đồng Cao Quỳ.
Những chiếc cọc này bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc. Trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Cọc phân bố không thẳng hàng. Căn cứ vào kết quả giám định niên đại cho thấy có thể cọc được làm vào thế kỷ XIII.
Các nhà khoa học bước đầu kết luận đây là khu vực bãi cọc có quy mô với các cọc gỗ lớn, nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp.
Đến ngày 21.12, thành phố Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật bước đầu tại bãi cọc vừa phát lộ. Các nhà khoa học, giáo sư lịch sử tham dự hội nghị đều thống nhất rằng bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần với đế quốc Nguyên Mông.
Theo các nhà khoa học, bãi cọc Cao Quỳ đã làm thay đổi nhận thức về chiến dịch Bạch Đằng năm 1288. Chính vì vậy, thành phố Hải Phòng cần tiếp tục có những nghiên cứu, khai quật mở rộng hơn.
Bên cạnh đó, các đại biểu tại hội nghị cũng đề xuất sớm có biện pháp bảo vệ cọc cổ trước tác động của tự nhiên và con người. Chính vì vậy, trong thời gian chờ lập phương án bảo tồn tốt nhất bãi cọc cổ thì việc lấp đất lại là cần thiết.
Mai Anh (t/h)