Sáng 26/6, Đoàn thanh niên phường Hàng Kênh kết hợp cùng Đoàn thanh niên phường Trại Cau (quận Lê Chân) tổ chức chuỗi các hoạt động, trong đó, ra mắt mô hình chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa. Đây cũng là một trong những nội dung thực hiện Chương trình Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; Kế hoạch Tháng Thanh niên năm 2022 của địa phương.
Rác thải nhựa tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Ở Việt Nam, trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nylon mỗi tháng và hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng 1 lần. Đáng nói, điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất rất khó phân hủy của nó. Ngay cả khi được chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng của cây trồng và các loài động, thực vật…
Trên thực tế, những năm gần đây, người dân đã có ý thức hơn trong việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Có thể nhận thấy, các chai nhựa đựng nước đã bị loại bỏ trên những bàn họp và thay thế bằng các chai thủy tinh. Tuy nhiên, do tính tiện dụng, thói quen sử dụng ống hút nhựa, chai nhựa, túi nylon… của nhiều người dân vẫn còn. Việc trao tặng cho người dân các sản phẩm thân thiện với môi trường, cụ thể là chai thủy tinh của Đoàn thanh niên phường Hàng Kênh và phường Trại Cau nhằm khuyến khích người dân dần thay đổi thói quen này. Qua đó, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày.
Chị Vũ Thị Hải Ngọc – Bí thư Đoàn thanh niên phường Hàng Kênh cho biết, dựa theo gợi ý của Quận đoàn Lê Chân, Đoàn thanh niên phường Hàng Kênh đã lên ý tưởng tặng kèm nước mát trong những chai thủy tinh. Theo đó, các bạn đoàn viên đã tự tay chế biến các loại đồ uống như trà sữa thái, nước sấu, sâm sen để gửi tận tay các bà nội trợ. “Chai thủy tinh mà chúng tôi gửi tặng cũng tiện lợi như chai nhựa, lại an toàn và vệ sinh nên khuyến khích được các cô bác, anh chị sau khi uống hết sẽ giữ lại chai thuỷ tinh này để tái sử dụng cho những lần uống sau. Như vậy, vừa tiết kiệm kinh phí hàng ngày vừa có thể chung tay giảm tải rác thải nhựa, bảo vệ môi trường”, chị Ngọc nói.
“Về kinh phí, được trích từ quỹ của Đoàn thanh niên phường. Trong thời gian tới, nếu quỹ còn hoặc huy động được từ các nguồn xã hội hóa, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình kêu gọi hành động vì môi trường tương tự”, chị Ngọc cho biết thêm.
Bất ngờ được tặng chai đồ uống thủy tinh, chị Vũ Thị Mỹ Hạnh (44 tuổi, trú tại ngõ 46, đường Lạch Tray, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân) chia sẻ, chị rất vui vì Đoàn thanh niên đã có những hành động thiết thực bảo vệ môi trường sống: “Gia đình tôi hầu như không dùng đồ nhựa không thể tái chế vì hiểu được tác hại lâu dài của chúng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, mỗi khi đi chợ, các tiểu thương vẫn đựng thực phẩm bán cho chúng tôi bằng túi nylon hay cốc nhựa… Tới đây, tôi sẽ hạn chế bằng cách bỏ sẵn các hộp nhựa an toàn, cặp lồng… vào trong cốp xe máy để đựng thực phẩm”.
Tại sự kiện, đoàn viên, thanh niên 2 phường Hàng Kênh và Trại Cau cũng hướng dẫn người dân cài đặt “Hải Phòng Smart”. Đây là hệ thống tiếp nhận và xử lý, trả lời những phản ánh của người dân thông qua ứng dụng di động “Hải Phòng Smart”. Ứng dụng giúp tăng cường sự tương tác giữa người dân và cơ quan Nhà nước, nâng cao hoạt động giám sát của người dân, các tổ chức và doanh nghiệp, cung cấp thông tin nhanh nhất đến các cơ quan nhà nước có chức năng. Từ đó, cơ quan Nhà nước tiếp nhận, xử lý, kịp thời trả lời, giải đáp các phản ánh, kiến nghị của nhân dân trên môi trường số.