UBND TP Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch 139/KH-UBND thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 theo Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố.
Theo Kế hoạch 139/KH-UBND, thành phố đưa ra mục tiêu là chủ động quản lý, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế xã hội khu vực ven sông, ven biển góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Đến năm 2030, Hải Phòng sẽ hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở
Việc phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng và ổn định dân sinh. Đặc biệt lưu ý khi xây dựng, phê duyệt các Quy hoạch, Kế hoạch phát triển của các Sở, ngành, địa phương, các khu đô thị, dân cư, cơ sở hạ tầng ven sông, ven biển…phải đề phòng nguy cơ sạt lở và không làm tăng nguy cơ sạt lở. Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển cũng cần được thực hiện đồng bộ, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn…
Phấn đấu đến năm 2023, các khu dân cư ven sông, ven biển ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở. Đến năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển. Đến năm 2030, thành phố sẽ hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển phải được quản lý chặt chẽ.
UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan chủ động, tích cực triển khai kế hoạch trên. Tập trung đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về phòng, chống sạt lở nhằm giảm nguy cơ sạt lở, rủi ro sạt lở. Cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động ven sông, ven biển ảnh hưởng đến sạt lở, điển hình như: khai thác cát sỏi, xây dựng công trình, nhà cửa, hoạt động giao thông thủy, hoạt động khai thác nước ngầm… Cùng với đó, hiện đại hóa công tác quan trắc, dự báo, kịp thời cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển; triển khai các ứng dụng KHCN, vật liệu mới trong phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Kế hoạch cũng đề ra 5 giải pháp trọng tâm, bao gồm: Rà soát, xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; triển khai các giải pháp cấp bách, giải pháp căn cơ lâu dài, các công trình, phi công trình để phòng, chống sạt lở; các thành tựu khoa học công nghệ; tăng cường các hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chia sẻ thông tin dữ liệu và việc huy động nguồn lực.
Hoàng Anh