Hạn chế xe máy tại các đô thị lớn – Giải pháp quy hoạch và quản lý nào cho bài toán giao thông đô thị

Hoàng Hải|16/06/2017 01:27
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh xe máy đang “chiếm hết thị phần” trên khắp các tuyến đường. Xuất phát từ thực trạng nói trên Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo “Hạn chế xe máy tại các đô thị lớn – Giải pháp quy hoạch và quản lý nào cho bài toán giao thông đô thị”.

Xe máy, phương tiện cá nhân chiếm hơn 90% các phương tiện tham gia giao thông trên đường phố

Trên đường phố xe cá nhân chiếm hơn 90%, trong khi vận tải công cộng, xe đạp và đi bộ không tới 10% gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, khói bụi ô nhiễm, gia tăng tai nạn giao thông, kéo dài thời gian đi lại… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên được xác định do những bất cập trong quy hoạch đô thị, xây dựng: dân số tăng; nhiều tòa nhà cao tầng, công sở ở khu vực trung tâm trong khi hạ tầng giao thông không đủ để đáp ứng nhu cầu về đi lại của người dân, thiếu sự liên thông kết nối các loại hình phương tiện: cá nhân – công cộng đô thị – liên vùng…

Bên cạnh đó, lĩnh vực quản lý giao thông trong những năm qua chưa có sự đột phá: giảm phương tiện xe máy, xây dựng lộ trình giảm dần phương tiện giao thông cá nhân phù hợp, thu hút vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông… Cùng với đó là các tồn tại về mặt xã hội liên quan đến sử dụng phương tiện cá nhân như thói quen sử dụng hàng ngày, công việc gắn với sử dụng xe máy (chuyên chở hàng hóa, phương tiện lao động), ứng xử văn hóa giao thông, ý thức bảo vệ môi trường cảnh quan, chấp hành luật lệ giao thông… của người dân. Do vậy, để giải quyết tận gốc rễ vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng cần tính đến giải pháp tổng thể: quy hoạch – quản lý giao thông – thay đổi thói quen giao thông của người dân.

giao thông

Các vị đại biểu tham gia Hội thảo

KTS Nguyễn Tuấn Minh nhận định: “Do Quy hoạch đô thị thiếu sự liên thông, kết nối giữa người dân và các loại hình vận tải công cộng nên nhiều người vẫn sử dụng xe máy làm phương tiện lưu thông chính”. KTS Nguyễn Tuấn Minh cũng nhấn mạnh đến yếu tố đồng bộ giữa những giải pháp Quy hoạch, quản lý phương tiện với phát triển vận tải công cộng để lộ trình hạn chế xe máy có điều kiện thực hiện hiệu quả.

Trưởng nhóm giao thông của World Bank tại Việt Nam, TS Jen Jung Eun Oh thì cho rằng, hạn chế vùng hoạt động của xe máy chỉ là một quyết định đơn lẻ và sẽ không thể giải quyết được triệt để vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội. “Dù mạng lưới vận tải công cộng có phát triển đến mức nào đi chăng nữa thì người dân vẫn phải di chuyển từ nhà đến các ga tàu điện hoặc bến chờ xe buýt. Làm sao để quãng đường di chuyển này, người dân lựa chọn đi bộ hoặc phương tiện phi cơ giới thay vì xe máy, ô tô thì mới được coi là thành công. Bởi vậy, vấn đè quyết định vẫn là ý thức của người dân và sự lựa chọn phương thức di chuyển”.

Các chuyên gia còn cho rằng Hà Nội hiện chưa có một cơ chế tích hợp giữa Quy hoạch xây dựng và Quy hoạch giao thông đô thị; sự phát triển của đô thị chưa lấy mạng lưới giao thông công cộng làm trọng tâm. Đây cũng là vấn đề then chốt trong phát triển đô thị của Hà Nội mà lâu nay chưa được quan tâm đúng mức. Nói cách khác, Hà Nội chưa có một kịch bản phát triển đô thị toàn diện, phù hợp và thiếu tính bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đều bày tỏ sự đồng thuận đối với chủ trương loại bỏ dần xe máy trong đời sống đô thị, và trước mắt là đề ra một lộ trình cụ thể để hạn chế xe máy trong nội đô Hà Nội.

Hoàng Hải


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hạn chế xe máy tại các đô thị lớn – Giải pháp quy hoạch và quản lý nào cho bài toán giao thông đô thị
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.