Hàng trăm tấn cá lồng ở Hải Dương chết vì thiếu oxy

Lan Hạ|09/04/2024 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sau khi xét nghiệm, cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương xác định nguyên nhân ban đầu khiến hàng trăm tấn cá chép nuôi lồng bè chết nổi trắng trên sông Thái Bình, đoạn qua TP Hải Dương là do thiếu oxy.

Do thiếu oxy

Liên quan đến việc khoảng 300 tấn cá lồng chết bất thường khiến người dân thiệt hại lớn, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương cho biết, Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và cơ quan quan trắc về môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đã lấy mẫu nước tại thời điểm cá chết để xét nghiệm, đến nay đã có kết quả.

9-ca-hd.png
Những hộ nuôi cá lồng ở Hải Dương đang đứng trước nguy cơ trắng tay, nợ nần

"Kết quả cho thấy, nguồn nước tại nơi các hộ nuôi cá lồng có nồng độ ô xy rất thấp, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cá diễn biến thời tiết để thở dẫn đến chết hàng loạt. Kết quả xét nghiệm mẫu từ Cục Thủy sản cho thấy, cá không bị nhiễm bất kỳ một loại bệnh nào", đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương thông tin.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương đã chủ trì với các Sở, ngành, địa phương có nuôi cá lồng tổ chức cuộc họp để làm rõ nguyên nhân.

Cơ quan quan trắc về môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương lấy mẫu nước tại thời điểm cá chết để xét nghiệm. Đồng thời, Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng về lấy mẫu trên cá chết để phân tích nguồn bệnh.

Kết quả xét nghiệm cho thấy nguồn nước tại khu vực nuôi cá lồng có nồng độ ô xy thấp. Thêm vào đó, trong các ngày từ 25 – 27/2 trên địa bàn có mưa liên tiếp khiến nồng độ ô xy xuống ở mức rất thấp. Tiếp đó, thời điểm đó đúng vào dịp thủy triều xuống, mực nước trên sông xuống thấp khiến lưu tốc dòng chảy xuống thấp. Từ đó, biên độ nước lên xuống trong ngày ở mức thấp. Bình thường, khi nước lớn, biên độ lên xuống trong ngày dao động mực nước từ 1 - 1,5 m, tuy nhiên, khi nước kém biên độ nước lên xuống trong ngày chỉ từ 20 - 30 cm cũng là tác nhân khiến nồng độ ô xy giảm.

Một yếu tố khác khiến tình trạng cá chết diễn biến nhanh đó là khi phát hiện, người nuôi cá không tăng lượng máy sục khí, vẫn duy trì ở mức bình thường khiến lượng ô xy trong nước bị giảm mạnh.

"Ngoài nguyên nhân về thiếu ô xy, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang phối hợp với các sở, ngành để tìm hiểu thêm còn nguyên nhân nào khác nữa hay không", đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương, đến nay, tình hình cá chết đã xảy ra tại các xã Tiền Tiến, Nam Đồng (TP Hải Dương); Xã Nhân Huệ, xã Cổ Thành (TP Chí Linh); Xã Nam Tân, xã Nam Hưng, xã An Bình, xã Cộng Hòa, xã Hiệp Cát, xã Thái Tân (huyện Nam Sách); xã Đại Sơn, xã Bình Lãng, xã Hà Kỳ, xã Hà Thanh (huyện Tứ Kỳ) và xã Thanh Hải, xã An Phượng, xã Thanh Sơn, xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà).

Bước đầu xác định nguyên nhân do nồng độ oxy hòa tan (DO) rất thấp và vẫn có diễn biến tiêu cực, kết quả test nhanh nồng độ oxy tại một số điểm nuôi lồng có cá bị chết ngày 1/4 từ 2,0mg/lít-3,0mg/lít; ngày 4/4 là 2,0mg/lít-2,5mg/lít; ngày 5/4 từ 1,0-2,0mg/lít.

Có những điểm nồng độ DO dưới 1mg/lít (theo QCVN 08:2023/BTNMT, mức B, nồng độ DO ≥ 5,0mg/lít). Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép như: Nồng độ khí độc NH4+-N > 1,0mg/lít (QCVN08:2023/BTNMT, mức B, nồng độ NH4+-N: 0,3mg/lit); NO2‑-N trong khoảng 0,5-1,0 mg/lít (QCVN08:2023/BTNMT, mức B, nồng độ NO2‑-N: 0,05mg/l).

Biện pháp bảo vệ 

Trước vụ việc hàng trăm tấn cá chết bất thường, để hạn chế thiệt hại đối với người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương đã khuyến cáo các hộ đang nuôi cá lồng bè trên sông theo dõi sát dự báo thời tiết để ứng phó với những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột.

9-ca-hd2.jpg
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương khuyến cáo các hộ đang nuôi cá lồng bè thường xuyên kiểm tra mực nước và vệ sinh lồng bè sạch sẽ để lưu thông trong và ngoài lồng nuôi, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng nuôi

Cần thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi, khi thấy nước đục, cá kém ăn hoặc bơi chậm, nhao lên mặt nước cần có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường oxy và đảo nước.

Khi mực nước trên sông giảm, cần hạ thấp lồng nuôi để bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5m-3m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao, đồng thời thực hiện sát khuẩn để phòng bệnh.

Các hộ dân chủ động thu khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch. Lưu ý hạn chế đánh bắt, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. Thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông trong và ngoài lồng nuôi, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng nuôi.

Trước đó, UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan, tổ chức rà soát các nguồn thải vào các khu vực sông có nuôi cá lồng.

UBND huyện, thành phố, thị xã rà soát, theo dõi đánh giá hoạt động nuôi cá lồng trên sông thuộc địa bàn; tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình cá chết và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục, thu gom, xử lý cá chết; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các nguồn thải trên các tuyến sông, thông báo kết quả quan trắc môi trường hàng ngày tới người nuôi cá lồng.

Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, liên tục cho các vùng nuôi cá lồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hàng trăm tấn cá lồng ở Hải Dương chết vì thiếu oxy
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.