Tại Nam Định, ngày 1/4, Sở NNPTNT tỉnh Nam Định tổ chức Lễ phát động Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2023, đồng thời thả 1 triệu con giống thủy sản các loại xuống sông Hồng.
Với 17.000 ha nuôi trồng thủy sản và 72 km bờ biển với hệ sinh thái bãi bồi ven biển đa dạng, phong phú, tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng để phát triển ngành thủy sản bền vững hiệu quả; tăng trưởng hàng năm của ngành thủy sản luôn đạt trên 4,5%. Riêng năm 2022, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Nam Định là 187.318 tấn, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 11.120 tỷ đồng, chiếm 31,5% cơ cấu ngành nông nghiệp (tăng 6,9%) so với năm 2021, đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người dân trong tỉnh.
Trước đó, ngày 31/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã thả gần 2 triệu con giống thủy sản, gồm 100.000 con cua biển giống và 1,87 triệu con tôm sú giống xuống sông Cổ Chiên. Số con giống này được huy động từ 143 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Thống kê từ năm 2010 đến nay cho thấy ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã thả trên 16,6 triệu con giống tôm, cua, cá giống, góp phần cho việc phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.
Ở Bạc Liêu, ngành nông nghiệp tỉnh cùng các đơn vị đã thả trên 6 triệu con tôm giống tại cửa biển Nhà Mát. Trong 10 năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã thả gần 65 triệu tôm sú giống, 300.000 cá giống và gần 3 tấn cá thương phẩm vào môi trường tự nhiên.
Tại Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cũng đã thả 320 ngàn con giống. Trong đó, có tôm càng xanh, cá lăng nha, thát lát, chạch lấu… Điểm thả lần này là ở vùng nước tự nhiên trên sông Đồng Nai thuộc chùa Bửu Phước (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu).
Hưởng ứng phong trào phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cũng thả khoảng 41.000 con cá giống xuống hồ chứa nước Sông Cái, một dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ ở huyện Bác Ái. Một số loại cá giống được thả lần này là cá trắm, trôi, mè, chép và cá lăng. Theo đại diện ngành nông nghiệp, đây là các loài cá truyền thống thích nghi với điều kiện tự nhiên hồ chứa, có thể sinh trưởng, sinh sản để bổ sung nguồn lợi cho hồ chứa.
Được biết, trong thời gian tới, ngoài việc bổ sung, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản không chỉ ở hồ chứa nước sông Cái, đơn vị quản lý sẽ lên kế hoạch triển khai rộng rãi trên các hồ chứa nước khác theo thẩm quyền. Thêm vào đó là bố trí nhân lực để quản lý, kiểm tra và xử lý các hành vi khai thác thủy sản trái phép.
Hòa chung không khí táo tạo nguồn lợi thủy sản đang diễn ra ở các địa phương, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa) phối hợp với Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã tổ chức thả 1,42 triệu con giống thủy sản ra biển. Trong đó, tôm sú giống là 670.000 con, 26.000 con cá chim, 3.000 con cá hồng mỹ, 4.000 con cá chẽm, 610.000 con ốc hương, 90.000 con ngao hai cùi và 20.000 con tu hài. Nơi thả là vùng lõi Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).
Theo Tổng cục thống kê, tính riêng trong tháng 3-2023, sản lượng thủy sản của cả nước đạt gần 704.000 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá tra đạt 519.000 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ; tôm đạt 63.000 tấn, tăng 5,9%.
So với cùng kỳ năm trước, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 353,5 ngàn tấn, tăng 3,8%. Còn sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 350,3 ngàn tấn, giảm 0,8%.
Tinh chung trong quí đầu năm, sản lượng thủy sản ước đạt hơn 1.889.000 tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.