Theo Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua, để chủ động giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường nước, không khí trên địa bàn tỉnh, tỉnh Hậu Giang đã tập trung đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động liên tục tại khu công nghiệp và một số tuyến sông chính và trung tâm trên địa bàn tỉnh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận dữ liệu liên tục từ các trạm quan trắc.
Tính đến tháng 5/2022, tỉnh Hậu Giang đã đưa vào sử dụng 4 trạm quan trắc về không khí và nguồn nước tự động liên tục tại các tuyến sông lớn trên địa bàn tỉnh, như: Ba Láng, Cái Côn, Cái Lớn và Khu công nghiệp Sông Hậu. Đồng thời, tỉnh Hậu Giang còn đầu tư 10 trạm quan trắc độ mặn để chủ động theo dõi, giám sát diễn biến xâm nhập mặn phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, thực hiện Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ TN&MT về việc lắp đặt trạm quan trắc tự động khí thải, nước thải, đến nay, đã có 6 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xây dựng tổng cộng 12 trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh.
Phong trào bảo vệ môi trường tại Hậu Giang luôn được quan tâm.
Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc theo dõi, giám sát các nguồn thải, tỉnh Hậu Giang cũng tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tính đến đầu năm 2022, tỉnh Hậu Giang đã xử lý triệt để ô nhiễm môi trường 6/7 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh, tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện Đề án “Hậu Giang xanh” với mục tiêu đến năm 2030, 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo theo đúng các quy định pháp luật về BVMT; 100% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở khu vực nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc xử lý đảm bảo yêu cầu về BVMT; 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, xử lý theo đúng quy định…
Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BVMT với nhiều hình thức như: qua hệ thống loa truyền thanh tại xã, phường, thị trấn; lắp đặt pano, áp phích; lồng ghép vào hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể; tổ chức các lớp tập huấn, hội thi với chủ đề BVMT, chống rác thải nhựa; đồng thời, triển khai hiệu quả các mô hình thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; ủ phân compost từ rác thải sinh hoạt; thu gom, phân loại, xử lý rác thải…
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị – xã hội, hội đoàn thể và người dân đại phương, công tác quản lý, BVMT tại khu vực đô thị cũng như khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có sự chuyển biến tích cực, tình trạng vứt rác bữa bãi xuống sông, kênh rạch đã được kéo giảm thiểu đáng kể, diện mạo cảnh quan môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày thêm khởi sắc.
Theo Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác quản lý, BVMT trên địa bàn, tỉnh Hậu Giang sẽ triển khai xây dựng thêm 5 trạm quan trắc tự động liên tục, trong đó có 2 trạm quan trắc chất lượng nguồn nước mặt trên sông Hậu, kênh Xáng Xà No và 3 trạm quan trắc không khí xung quanh địa bàn TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy và Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh.
Cùng với đó, để chủ động phòng ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí, tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp; xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị; hoàn thành nhà máy xử lý rác phát điện; xử lý triệt để 1 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, tỉnh Hậu Giang cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến môi trường, kiên quyết không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các sở, ban ngành, tổ chức chính trị – xã hội, hội đoàn thể và các địa phương cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân trong công tác BVMT; đồng thời, tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao tỉ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng,… theo mục tiêu của Đề án “Hậu Giang xanh” giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình BVMT tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025 đã đề ra.
Đặc biệt, theo ông Đào Trọng Ngữ – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hậu Giang, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang hiện đang tập trung triển khai thực hiện, đó là triển khai phổ biến các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đến cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên… của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức chính trị – xã hội, góp phần sớm đưa những quy định mới về BVMT đi vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh.
Anh Minh