Emagazines

Hệ thống pháp lý về xử lý chất thải y tế: Còn khoảng trống nào?

Thu Hà - Thu Trinh 08/04/2025 16:30

Xử lý chất thải y tế luôn là vấn đề cấp thiết trong công tác bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Với tính chất đặc thù, loại chất thải này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm mà còn chứa nhiều thành phần độc hại, đòi hỏi một hệ thống pháp lý chặt chẽ để quản lý hiệu quả.

chat-thai-y-te.jpg

Những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm kiểm soát chất thải y tế, từ Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đến các nghị định, thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy vẫn còn những khoảng trống nhất định trong quy định, từ phân loại, thu gom, vận chuyển đến xử lý và giám sát việc thực hiện.

Bài viết dưới đây sẽ phân tích tổng thể hệ thống pháp lý hiện hành về quản lý chất thải y tế tại Việt Nam, chỉ ra những bất cập còn tồn tại và đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo xử lý chất thải y tế an toàn, hiệu quả và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững.

Bài viết thuộc Chuyên đề "Rác thải y tế - Chất thải đặc thù, làm sao quản lý?".

Quy định pháp luật về xử lý chất thải y tế

Chất thải y tế là loại chất thải đặc thù, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm và ô nhiễm môi trường cao, đòi hỏi hệ thống pháp luật chặt chẽ để kiểm soát. Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở y tế trong quản lý chất thải, song vẫn còn những khoảng trống cần khắc phục.

Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 20/2021/TT-BYT phân định chất thải y tế, cụ thể:

Chất thải y tế nguy hại bao gồm:

Chất thải nguy hại lây nhiễm chia ra thành: chất thải lây nhiễm sắc nhọn; chất thải lây nhiễm không sắc nhọn; chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao và chất thải giải phẫu;

Chất thải nguy hại không lây nhiễm;

Chất thải rắn thông thường từ các hoạt động của nhân viên y tế, người bệnh, thân nhân người bệnh, học viên,... tại cơ sở y tế;

Khí thải bao gồm khí thải phát sinh từ phòng xét nghiệm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua đường không khí; khí thải từ phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trở lên;

Chất thải lỏng không nguy hại bao gồm dung dịch thuốc, hoá chất thải bỏ không thuộc nhóm gây độc tế bào, không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất, không chứa yếu tố nguy hại vượt ngưỡng, không chứa vi sinh vật gây bệnh;

Nước thải y tế gồm nước thải phát sinh từ hoạt động chuyên môn trong cơ sở y tế. Trường hợp nước thải sinh hoạt thải chung vào hệ thống thu gom nước thải y tế thì được quản lý như nước thải y tế.

ra-y-te.jpg

Hệ thống pháp lý về xử lý chất thải y tế tại Việt Nam được xây dựng trên nền tảng các quy định chung về bảo vệ môi trường, kết hợp với các văn bản chuyên ngành trong lĩnh vực y tế. Hiện nay, hệ thống này bao gồm các văn bản quan trọng như:

Bên cạnh đó, mỗi năm, Bộ Y tế đều có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Sở Y tế, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ tăng cường quản lý chất thải y tế và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Tổ chức tập huấn hướng dẫn về phân loại, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế, các Sở Y tế, các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện trên toàn quốc...

chat-thai-y-te-3-.jpg

Chia sẻ về vấn đề này PGS. TS. Phạm Ngọc Châu - Nguyên Chủ nhiệm khoa Vệ sinh - Y học dự phòng Học viện Quân Y cho biết: Toàn ngành y tế hiện có khoảng 1.500-1.600 bệnh viện trong đó bệnh viện ngoài công lập có khoảng gần 400. Chất thải mà phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh sẽ bao gồm cả chất thải và nước thải, thậm chí là cả khí thải.

Từ năm 1998 thì đến nay Nhà nước đã quan tâm đến vấn đề về quản lý chất thải trong quá trình khám chữa bệnh. Năm 1999, Bộ Y tế đã ban hành quy chế quản lý chất thải quy định nhiều nội dung rõ ràng. Đến năm 2007, Bộ Y tế Ban hành Quyết định 43/2007/QĐ-BYT hướng dẫn việc quả lý chất thải y tế trong các cơ sở khám trị bệnh. Từ năm 2007 cho đến năm 2016 quy định này được thay đổi điều chỉnh bằng Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Tuy nhiên, đến năm 2021 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 20/2021/TT-BYT quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

Vậy có thể nói là về chính sách thì nhất quán từ năm 1999 đến nay là các chủ thải và các bệnh viện luôn luôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Vận chuyển chất thải y tế được thực hiện như thế nào?

Căn cứ Điều 42, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về vận chuyển, xử lý chất thải y tế, theo đó:

1. Chất thải y tế thông thường phải được phân loại, thu gom riêng biệt với chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt và được quản lý như đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường quy định tại Mục 3 Chương này; không được tái chế chất thải y tế nguy hại để sản xuất các đồ dùng, bao bì sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm.

2. Chất thải y tế nguy hại phải được phân loại, thu gom riêng biệt với chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt trước khi đưa vào khu vực lưu giữ tại cơ sở phát sinh theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế. Trường hợp chất thải y tế nguy hại được tự xử lý, thu hồi năng lượng tại cơ sở thì căn cứ vào công nghệ, kỹ thuật hiện có, chủ nguồn thải chất thải y tế nguy hại được lựa chọn phân loại hoặc không phân loại chất thải y tế nguy hại.

media.moitruong.net.vn-2020-07-_rac-thai-y-te.png
Chất thải y tế nguy hại phải được phân loại, thu gom riêng biệt với chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt

3. Phương tiện, thiết bị vận chuyển chất thải y tế nguy hại phải bảo đảm đáp ứng các quy định tại Điều 36, Điều 37 Thông tư này và các yêu cầu đặc thù về bảo vệ môi trường sau:

a) Chất thải y tế nguy hại trước khi vận chuyển phải đóng gói trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế, bảo đảm không bị bục, vỡ hoặc phát tán chất thải trong quá trình vận chuyển;

b) Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại lắp đặt trên phương tiện vận chuyển phải có thành, đáy, nắp kín, kết cấu cứng, chịu va chạm, không bị rách, vỡ, rò rỉ chất thải, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển; được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển và bảo đảm không bị rơi, đổ trong quá trình vận chuyển chất thải;

c) Phương tiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại phải có thùng hoặc khoang kín được bảo ôn; kích thước của thùng chứa gắn trên phương tiện vận chuyển thực hiện theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải;

d) Đối với các khu vực không sử dụng được phương tiện vận chuyển chuyên dụng để vận chuyển chất thải y tế nguy hại, được sử dụng các loại phương tiện vận chuyển là xe mô tô, xe gắn máy có thùng chứa và được gắn chặt trên giá để hàng (phía sau vị trí ngồi lái); kích thước của thùng chứa gắn trên xe mô tô, xe gắn máy thực hiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

4. Chất thải y tế nguy hại được xử lý theo thứ tự ưu tiên sau:

a) Xử lý tại cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại có hạng mục xử lý chất thải y tế;

b) Xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế (chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm);

c) Tự xử lý tại công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế.

photo1703913570055-1703913570368138417217.jpg

5. Sở Tài nguyên và Môi trường lập, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn, bảo đảm phù hợp với điều kiện của địa phương và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Quy định thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại bao gồm các nội dung chính sau:

a) Địa điểm, mô hình xử lý chất thải y tế nguy hại;

b) Phạm vi, phương thức thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại;

c) Thông tin về tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại;

d) Các vấn đề liên quan khác.

Nguyên tắc về phân loại, thu gom chất thải y tế của phòng khám chuyên khoa phải thỏa mãn những gì?

Đối với phòng khám chuyên khoa phải tuân thủ quy định về phân loại và thu gom chất thải y tế theo Điều 6 và Điều 7 Thông tư 20/2021/TT-BYT như sau:

Phải tuân thủ các nguyên tắc phân loại gồm:

Chất thải y tế phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh;

Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định.

Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa (trừ chất thải lây nhiễm sắc nhọn);

Trường hợp chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác thì hỗn hợp chất thải đó phải thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm và tiếp tục thực hiện quản lý theo tính chất của chất thải sau xử lý.

Phải tuân thủ nguyên tắc thu gom chất thải y tế bao gồm:

Thu gom chất thải lây nhiễm: có luồng đi và thời điểm thu gom phù hợp tránh ảnh hưởng đến người bệnh và thân nhân; đảm bảo kín đáo và không gây rò rỉ; tuân thủ nghiêm ngặt quy định thu gom và xử lý đối với chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao; tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế tối thiểu một lần một ngày;...

ban_sao_cua_anh_minh_hoa_trong_bai_970px_3.png

Thu gom chất thải nguy hại không lây nhiễm: Chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế; thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp tránh rò rỉ, phát tán các chất ra môi trường;

Thu gom chất thải rắn thông thường: chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế và chất thải rắn thông thường không sử dụng để tái chế được thu gom riêng;

Thu gom chất thải lỏng không nguy hại: chất thải lỏng không nguy hại được thu gom vào hệ thống thu gom nước thải của cơ sở y tế và quản lý theo quy định về quản lý nước thải y tế;

Khí thải phải được xử lý, loại bỏ các vi sinh vật gây bệnh trước khi xả ra môi trường xung quanh;

Thu gom nước thải: có hệ thống gom kín và đảm bảo thu gom được toàn bộ lượng nước thải; xử lý theo quy định pháp luật về quản lý nước thải.

Dụng cụ đựng chất thải y tế sắc nhọn phải đáp ứng yêu cầu gì?

Theo khoản 4 Điều 5, điểm a khoản 3 Điều 6 Thông tư 20/2021/TT-BYT, dụng cụ đựng chất thải sắc nhọn phải có thành, đáy cứng, kháng thủng, miệng thùng, dụng cụ được thiết kế an toàn tránh tràn đổ, rơi vãi chất thải ra bên ngoài. Chất thải sắc nhọn sau khi sử dụng được bỏ vào thùng hoặc hộp kháng thủng và có màu vàng.

Cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp nào để giảm thiểu phát sinh chất thải y tế?

Căn cứ Điều 9 Thông tư 20/2021/TT-BYT, để giảm thiểu chất thải y tế, cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải y tế sau đây:

Mua sắm, lắp đặt, sử dụng vật tư, thiết bị, dụng cụ, thuốc, hóa chất và các nguyên, vật liệu phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Đổi mới thiết bị, quy trình trong hoạt động chuyên môn y tế và các biện pháp khác để giảm thiểu phát sinh chất thải y tế.

Có biện pháp, lộ trình và thực hiện hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.

Phân loại chất thải nhựa để tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực trạng xử lý chất thải y tế hiện nay

Tại Việt Nam, việc quản lý chất thải y tế đã được quy định chi tiết trong các văn bản pháp luật như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Y tế, và các nghị định, thông tư liên quan. Theo quy định, các cơ sở y tế phải thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, đảm bảo mỗi loại chất thải được xử lý theo quy trình phù hợp.

xulyrac-01.jpg

Nhiều cơ sở y tế nhỏ lẻ, thậm chí cả một số bệnh viện tư nhân, vẫn còn tình trạng xả thải y tế ra môi trường một cách tùy tiện. Việc vứt bỏ kim tiêm, băng gạc, túi đựng máu ra các khu vực sông ngòi, kênh rạch không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các loại vi khuẩn, virus gây bệnh có thể tồn tại trong môi trường đất, nước trong thời gian dài, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người.

Trên thực tế, phần đa các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam đều chưa có hệ thống xử lý nguồn nước thải đạt chuẩn. Chính vì vậy, khi nước thải được xả trực tiếp sẽ tiếp cận và có thể gây ô nhiễm môi trường nước mặt một cách nghiêm trọng.

Một số vụ việc điển hình có thể kể đến như: Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh vào năm 2019: Bệnh viện bị phát hiện xả nước thải y tế không qua xử lý trực tiếp ra môi trường. Cơ quan chức năng đã xử phạt và yêu cầu khắc phục hậu quả. Hay tại Hà Nội vào năm 2021, một số phòng khám tư nhân bị phát hiện không ký hợp đồng xử lý chất thải y tế mà lén lút đổ ra hệ thống thoát nước sinh hoạt chung. Tại TP.HCM vào năm 2023, một công ty xử lý chất thải y tế bị phát hiện không thực hiện xử lý mà vận chuyển đổ lén ra bãi rác công cộng.

Những vướng mắc trong thực tiễn

Mặc dù hệ thống pháp lý đã khá đầy đủ, nhưng việc thực thi còn nhiều bất cập cụ thể như:

Thiếu đồng bộ trong hướng dẫn thực hiện

Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã ban hành được hơn ba năm, nhưng nhiều địa phương và cơ sở y tế vẫn gặp khó khăn khi áp dụng do thiếu hướng dẫn cụ thể về công nghệ xử lý, tiêu chuẩn thiết bị, và quy trình vận hành. Hiện nay, Thông tư 20/2021/TT-BYT quy định về quản lý chất thải y tế, nhưng chưa đề cập đầy đủ các phương pháp xử lý phù hợp với từng loại hình cơ sở y tế (bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, phòng khám tư nhân...).

chat-thai-y-te-4-.jpg

Hạn chế trong phân loại, thu gom và xử lý

Dù quy định phân loại chất thải y tế tại nguồn là bắt buộc, nhưng nhiều cơ sở y tế vẫn chưa thực hiện nghiêm túc do thiếu nhân lực, thiếu kinh phí hoặc nhận thức chưa đầy đủ. Việc thu gom và vận chuyển chất thải y tế đến cơ sở xử lý tập trung còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng rác thải y tế bị lẫn với rác thải sinh hoạt hoặc xử lý không đúng quy trình.

Công nghệ xử lý lạc hậu, chi phí cao

Hiện nay, công nghệ xử lý chất thải y tế chủ yếu là lò đốt và hấp tiệt trùng. Tuy nhiên, nhiều lò đốt tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện đã xuống cấp, không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải theo QCVN 02:2022/BTNMT. Mặt khác, chi phí xử lý bằng công nghệ tiên tiến như vi sóng, plasma còn quá cao, vượt khả năng tài chính của nhiều bệnh viện.

Kiểm soát chưa chặt chẽ, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh

Dù đã có các quy định xử phạt vi phạm trong quản lý chất thải y tế, nhưng thực tế cho thấy việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên. Một số bệnh viện, phòng khám tư nhân vẫn chưa nghiêm túc thực hiện phân loại, xử lý theo đúng quy định. Các vụ việc rác thải y tế bị vứt bỏ ra môi trường, chôn lấp trái phép vẫn diễn ra nhưng mức xử phạt chưa đủ tính răn đe.

Với khối lượng chất thải y tế lớn và có xu hướng ngày càng tăng theo mức tăng của số cơ sở y tế trong nước. Bên cạnh đó, việc một số địa phương và cơ sở y tế còn "loay hoay" trong việc xử lý chất thải y tế cũng tạo ra một thách thức lớn khác cho toàn ngành y tế. Hệ thống pháp luật về xử lý chất thải y tế tại Việt Nam đã có nền tảng vững chắc với Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng trống cần được hoàn thiện để đảm bảo quản lý chất thải y tế hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc nâng cao hiệu lực thực thi, hỗ trợ tài chính và công nghệ, cùng với sự giám sát chặt chẽ sẽ là giải pháp quan trọng để khắc phục những bất cập hiện nay.

[VIDEO] Góc nhìn tuần qua: Cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại nhiều dịa phương

Bài liên quan
  • Chuyên đề: Rác thải y tế - Chất thải đặc thù, làm sao quản lý?
    Chất thải y tế là một trong những nguồn thải nguy hại, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi ngày hệ thống y tế trên cả nước phát sinh khoảng 400 - 600 tấn chất thải y tế, trong đó có khoảng 20-25% là chất thải nguy hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hệ thống pháp lý về xử lý chất thải y tế: Còn khoảng trống nào?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.