Hoài Đức (Hà Nội): Loạt trạm trộn bê tông hoạt động trên đất nông nghiệp và những hệ lụy về môi trường

Thùy Dương - Phan Thảo|04/10/2022 13:56
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Suốt 05 năm qua, trạm trộn bê tông Việt Đức, 136 và Vạn Phúc tại khu cầu Nổi, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Tp. Hà Nội ngang nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh không phép trên đất nông nghiệp, gây bụi bặm, xả khói bụi, nước thải ra môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe, sinh kế của người dân, nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng của huyện Hoài Đức vào cuộc cưỡng chế, xử lý dứt điểm.

Hoài Đức (HN): Loạt trạm trộn bê tông hoạt động không phép trên đất NN và những hệ lụy về môi trường

Nhiều hệ lụy về môi trường

Nhiều năm nay, người dân thôn An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức rất bức xúc về tình trạng các xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải chở bê tông, vật liệu xây dựng từ các trạm trộn bê tông Việt Đức, bê tông 136 và bê tông Vạn Phúc tại khu cầu Nổi, xã Vân Canh ra vào suốt ngày đêm làm vật liệu rơi vãi, khiến tuyến đường trong cụm công nghiệp cầu Nổi nối ra đại lộ Thăng Long bị xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện chi chít những ổ voi, ổ gà khiến ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng thì bụi mù mịt gây ảnh hưởng đến giao thông, cuộc sống của người dân. Không những thế, nước thải trong quá trình sản xuất bê tông của các trạm trộn này còn xả vô tư ra môi trường gây chết cá, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

W_tram-tron-be-tong-xa-van-canh-o-nhiem-moi-truong-.jpg
Các trạm trộn bê tông tại khu cầu Nổi, xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) hoạt động không phép trên đất nông nghiệp nhiều năm, nhưng chính quyền xã Vân Canh và các phòng chức năng huyện Hoài Đức không xử lý dứt điểm.

Bác N.V.B, người dân thôn An Thọ, xã An Khánh cho biết: “Các trạm trộn bê tông ở xã Vân Canh hoạt động gây ảnh hưởng quá lớn. Họ hoạt động từ những năm 2016, 2017, nước thải bê tông chảy ra ao gây chết cá của gia đình tôi, sau đó họ cũng đền bù 1 năm”.

W_be-tong-viet-duc-o-nhiem-moi-truong-1.jpg
W_be-tong-a-o-nhiem-moi-truong.jpg
Xe chở bê tông của các trạm trộn 136, Việt Đức, Vạn Phúc hoạt động gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.

“Bây giờ anh, chị xuống dưới đấy mà xem, nước thải các trạm bê tông xả ra lung tung, đầy các lô đất dịch vụ của xã. Các trạm trộn bê tông hoạt động gây ô nhiễm môi trường quá lớn, mỗi lần xe chở vật liệu vào làm rơi vãi bụi bặm mù mịt kinh khủng, mà họ hoạt động cả ngày lẫn đêm, chạy rầm rập suốt. Để giảm thiểu bụi nhà tôi cũng chỉ biết tưới nước để đỡ phần nào thôi chứ cũng không ăn thua. Tôi mong muốn cấp trên xử lý nghiêm minh, di dời các trạm bê tông ra khỏi khu vưc này vì nay mai chỗ này là khu dân cư ở, không thể để trạm bê tông hoạt động ô nhiễm môi trường ở đây được”, ông N.V.B bức xúc.

W_tram-be-tong-xa-van-canh-o-nhiem-moi-truong.jpg
Con đường bị phủ kín lớp đất cát nên mỗi khi xe chở VLXD, xe bồn bê tông hoạt động là bụi bay mù mịt. Mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù.

Một người dân thường xuyên đi qua cụm công nghiệp cầu Nổi cho hay: Trong này cũng nhiều doanh nghiệp nhưng xe của mấy trạm bê tông này là chạy nhiều nhất. Lúc các trạm bê tông chưa về đây thì đường sá vẫn bằng phẳng bình thường đâu đến nỗi, nhưng từ khi các trạm này về hoạt động đến nay đường trong cụm công nghiệp cầu Nổi bị hư hỏng rất nhiều. Mỗi ngày hàng chục lượt xe chở bê tông rồi đá, cát ra vào liên tục kéo theo bụi mịt mù như sương, gặp các xe này chúng tôi phải tránh vào lề đường nhường cho đi trước, chứ cứ chạy theo sau thì hít no bụi.

W_hoai-duc-2-.jpg
Có lẽ hệ thống lọc bụi của trạm bê tông Việt Đức và 136 có vấn đề nên trên lóc xilo 2 trạm trộn bở lên lớp bụi xi măng dày đặc

Để nắm bắt thông tin và tìm hiểu chuyên sâu về vấn đề các trạm trộng bê tông hoạt động có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. PV đã có mặt tại cụm công nghiệp cầu Nổi để ghi nhận sự việc. Theo quan sát của PV, hàng nghìn m2 đất nông nghiệp đã bị các trạm trộn bê tông Việt Đức, 136 và Vạn Phúc sử dụng để dựng trạm trộn bê tông khi chưa được các cơ quan cấp phép. Các xe chở bê tông với logo Việt Đức, 136, A+ (thuê lại của công ty Vạn Phúc) ra vào liên tục, cùng với đó là các xe siêu trường chở vật liệu cũng ra vào tấp nập để cung cấp cho các trạm trộn bê tông này. Các xe này thường chạy với tốc độ nhanh do đó cuốn lên rất nhiều bụi cát, cây cối 2 bên đường phủ trắng bụi. Nhiều đoạn đường trong cụm công nghiệp cầu Nổi bị rạn nứt, bong tróc, mấp mô tạo thành những ổ voi, ổ gà rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

W_4.jpg
W_2-1-.jpg
W_tram-be-tong-xa-van-canh-o-nhiem-moi-truong-7.jpg
Nước thải bê tông kéo theo bùn bê tông chảy ra mương thoát nước và các lô đất dịch vụ xã An Khánh thời gian dài nhưng không được các trạm trộn bê tông này nạo vét khiến con mương và lô đất xung quanh đang bị vùi lấp bởi bùn, bã bê tông trắng xóa, trông như một bãi sình lầy, nhầy nhụa

Đáng chú ý, phía sau trạm bê tông 136 và Việt Đức, nước thải từ trong 2 trạm đang cháy xối xả ra cống thoát nước rồi chảy lênh láng vào các ô đất dịch vụ của xã An Khánh. Nước thải bê tông kèm theo cả bùn đất, bã bê tông từ 2 trạm trộn này có lẽ đã xả ra đây từ rất lâu rồi, bởi bùn bê tông đặc sệt đang lấp đầy cống thoát nước và các ô đất, trông như một bãi sình lầy, không một sinh vật nào có thể sống sót. Người dân cho biết đi vào thì bùn bê tông phải ngập đến đầu gối.

W_hoai-duc-1-.jpg
Phía sau trạm bê tông 136 và bê tông Việt Đức, nước thải từ trong 2 trạm đang cháy xối xả ra cống thoát nước rồi chảy lênh láng vào các ô đất dịch vụ của xã An Khánh

Chính quyền đã thực sự quyết liệt?

Để có thông tin khách quan, đa chiều về công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý những dấu hiệu vi phạm của trạm bê tông Việt Đức, 136 và Vạn Phúc trên địa bàn, PV đã có buổi làm việc với UBND xã Vân Canh.

Trao đổi với PV, ông Phạm Xuân Trình – Cán bộ Đội quản lý TTXD đô thị huyện Hoài Đức cho biết: Thực hiện văn bản 1590 ngày 05/02/2020 của UBND huyện Hoài Đức về việc tăng cường kiểm tra công tác quản lý hoạt động về sản xuất bê tông trên huyện, Đội đã lập đoàn kiểm tra các trạm trộn bê tông trên địa bàn xã Vân Canh. Qua kiểm tra, các trạm trộn bê tông này hoạt động không phép từ năm 2017, đội đã có kiến nghị UBND huyện ban hành quyết định xử phạt. Từ năm 2017 đến nay, UBND xã Vân Canh đã ra 4-5 thông báo yêu cầu các trạm trộn di dời nhưng đến nay họ vẫn không chấp hành. Các trạm trộn bê tông này nằm trong ranh giới dự án đất dịch vụ bổ sung xã Vân Canh – Vị trí X3 sẽ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật vào năm 2023 nên bắt buộc trong năm nay bằng mọi giá chúng tôi sẽ yêu cầu các trạm trộn bê tông này phải di dời.

W_doi-ttdt-hoai-duc.jpg
Ông Phạm Xuân Trình – Cán bộ Đội quản lý TTXD đô thị huyện Hoài Đức cho biết các trạm trộn bê tông này hoạt động từ năm 2017, UBND xã đã ra 4-5 thông báo yêu cầu các trạm trộn bê tông di dời nhưng họ không chấp hành.

Trước câu hỏi của PV vì sao các trạm trộn bê tông này hoạt động trái phép từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa bị cưỡng chế, ông Trình cho hay: Phía Đội và UBND xã chỉ có thể ban hành văn bản, thông báo yêu cầu các trạm trộn di dời, để cưỡng chế các công trình này cần sự vào cuộc của nhiều ban ngành vì tài sản của họ rất lớn, thẩm quyền của xã không đủ.

Nói về quan điểm xử lý các trạm trộn bê tông này, ông Trình cho biết: Quan điểm của Đội rất rõ ràng là phải xử lý tận gốc vì đây là các công trình vi phạm, xây dựng thì không phép nên là chỉ có kiến nghị xử lý. Vì chẳng ai muốn để các trạm bê tông ở đấy vì gây ô nhiễm.

W_tram-be-tong-o-nhiem-moi-truong.jpg
Người dân bức xúc vì các trạm trộn bê tông ở khu cầu Nổi, xã Vân Canh xả nước thải gây ô nhiễm môi trường ra mương máng, sang đất dịch vụ xã An Khánh

Ông Đăng Hoàng Điệp – Cán bộ địa chính xã Vân Canh cho biết: Các trạm trộn bê tông Việt Đức, 136 và Vạn Phúc hoạt động sai mục đích sử dụng đất, tôi mới luân chuyển về đây được 2 tháng nhưng qua kiểm tra hồ sơ thì thấy năm nào UBND xã cũng có thông báo yêu cầu các trạm trộn bê tông này di dời vì nằm trong quy hoạch 1/500 của dự án bổ sung đất dịch vụ xã Vân Canh. Lịch dự kiến của UBND xã và UBND huyện là trong năm nay sẽ giải tán các trạm trộn bê tông này đi vì đội hình thợ thuyền trong đấy cũng gây mất tình hình chính trị, trị an, sáng đi làm, tối uống rượu, công an phải vào cuộc suốt, thực sự xã không muốn để các trạm trộn ở đấy. Không thể phủ nhận tác động xấy tới môi trường của các trạm trộn này.

UBND xã liên tục yêu cầu các trạm trộn bê tông trên dừng hoạt động nhưng khi có lực lượng chức năng, cơ quan nhà nước thẩm quyền đến kiểm tra có thể họ dừng hoạt động tại thời điểm đấy còn khi các đoàn về khỏi thì họ tiếp tục hoạt động. Khi kiểm tra, UBND xã đã yêu cầu các trạm bê tông trên cung cấp các hồ sơ liên quan đến xây dựng, môi trường để xã quản lý. Tuy nhiên, từ thời gian đề nghị năm 2017 đến thời điểm này họ vẫn chưa cung cấp được thêm hồ sơ gì cả, ông Điệp thông tin thêm.

W_be-tong-viet-duc-o-nhiem-moi-truong-17.jpg
Thông báo lần 4 của UBND xã Vân Canh yêu cầu Trạm trộn bê tông Việt Đức, 136 Việt Nam di dời đi nơi khác trước ngày 30/8/2022.

Được biết, ngày 3/8/2022 UBND xã Vân Canh đã có thông báo lần 4 tới công ty Cổ phần 136 Việt Nam, công ty TNHH Việt Đức về việc di dời Trạm trộn bê tông và các công trình phụ trợ nằm trong ranh giới dự án đất dịch vụ bổ sung xã Vân Canh – Vị trí X3. Thông báo yêu cầu 2 công ty trên khẩn trương thu dọn, di chuyển trạm trộn và công trình liên quan ra khỏi khu đất đã được quy hoạch dự án đất dịch vụ. Thời gian xong trước ngày 30/8/2022.

Ngày 10/08/2022, UBND xã Vân Canh có thông báo lần 4 tới công ty Cổ phần thương mại Vạn Phúc yêu cầu thu dọn, di chuyển trạm trộn bê và công trình liên quan ra khỏi khu đất đã được quy hoạch dự án đất dịch vụ. Thời gian xong trước ngày 5/9/2022.

W_be-tong-van-phuc-o-nhiem-moi-truong-18.jpg
Thông báo lần 4 của UBND xã Vân Canh yêu cầu trạm trộn bê tông Vạn Phúc di dời đi nơi khác trước ngày 05/9/2022.

Cả 2 thông báo đều nêu rõ: Quá thời gian trên, đơn vị chưa thực hiện tháo dỡ di dời, UBND xã Vân Canh sẽ báo cáo UBND huyện, công an huyện Hoài Đức tiến hành thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đất dịch vụ theo quy định.

Thông báo đã rõ ràng như vậy nhưng vì sao các trạm trộn bê tông trên vẫn bất chấp pháp luật, hoạt động nhộn nhịp như chốn “vô pháp, vô cương”. Theo ghi nhận của PV vào những ngày cuối tháng 9, 03 trạm trộn bê tông trên vẫn hoạt động bình thường như chưa nhận được thông báo yêu cầu di dời. Các xe chở vật liệu vẫn ra vào cung cấp vật liệu cho các trạm trộn bê tông nhưng lại không hề vấp phải sự ngăn chặn, xử lý của bất kì lực lượng chức năng nào.

Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Thế Minh – Chủ tịch UBND xã Vân Canh cho biết: “03 trạm trộn này hoạt động chả có hồ sơ gì cả. Lúc trước có 5 trạm, giờ còn 03 trạm thôi. Chỗ đó là đất dịch vụ của người dân, có 54 hộ thì 47 hộ đã bàn giao giải phóng mặt bằng, còn 7 hộ. UBND xã đã có biên bản kiểm tra, thông báo di dời, yêu cầu người dân cho các trạm trộn bê tông thuê đất dừng tất cả các hợp đồng. UBND huyện chỉ đạo rất sâu sát rồi, không chỉ trạm trộn ở Vân Canh mà còn ở Lại Yên, An Khánh, mấy lần huyện triệu tập các cơ sở đấy lên nhưng nó có lên đâu. Chậm nhất cuối năm 2022 các trạm trộn bê tông này sẽ phải đi, nếu không đi thì quý 1/2023 tôi sẽ cho lập chốt ở đấy. Vì chỗ đó là đất theo Nghị định 17 và theo Quyết định 1098 của UBND tỉnh Hà Tây buộc phải trả cho người dân. Đến năm nay là 14,15 năm rồi chưa trả được quỹ đất dịch vụ cho người dân.

Đều đặn như vắt chanh, mỗi năm UBND xã Vân Canh lại ban hành 1 thông báo yêu cầu các trạm trộn bê tông trên di dời mà không có bất kì biện pháp xử lý mạnh tay, kiên quyết nào như ban hành quyết định cưỡng chế, lập barie hay đổ cột bê tông. Dư luận đang đặt nhiều dấu hỏi liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã Vân Canh, vì sao ngay từ khi các đơn vị này manh nha xây dựng UBND xã không quyết liệt xử lý ngay từ đầu mà để đến bây giờ thì lại nói khó khăn? UBND xã Vân Canh đã làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương?.

W_tram-be-tong-136-o-nhiem-moi-truong.jpg
Ông Nguyễn Hoạch – Trạm trưởng trạm bê tông 136 cho biết, các trạm trộn bê tông hoạt động ở đây đều chưa được cấp phép xây dựng và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Để thông tin đa chiều, khách quan PV đã có buổi làm việc với trạm trộn bê tông Việt Đức và 136. Ông Nguyễn Hoạch, trạm trưởng trạm bê tông 136 (Công ty TNHH AB Việt Nam) cho biết: Bọn anh có làm đề án bảo vệ môi trường gửi các cơ quan chức năng nhưng đều không được cấp. Chính quyền địa phương đã nhiều lần có văn bản gửi 02 trạm yêu cầu di dời rồi nhưng bọn anh đang tìm mặt bằng, cuối năm nay bọn anh sẽ di dời. Các trạm trộn hoạt động ở đây không có giấy phép xây dựng, đã bị UBND huyện xử phạt rồi nhưng cũng giơ cao đánh khẽ.

Ngoài ra, ông Hoạch cho biết nước thải của 02 trạm bê tông được xử lý tuần hoàn, không xả ra môi trường. Nhưng trước câu hỏi của PV về việc vì sao nước thải từ 2 trạm bê tông đang xả ra đất dịch vụ xã An Khánh thì ông Hoạch đổ lỗi do hạ tầng thoát nước khu vực này kém, hễ mưa là ngập nên nước từ trong trạm bê tông bị chảy tràn ra ngoài.

Thêm vào đó, ông Hoạch cho biết: Sau mỗi lần UBND xã có văn bản yêu cầu di dời thì công ty đều có văn bản gửi UBND huyện xin gia hạn lùi thời gian di dời, còn có được huyện chấp nhận hay không thì tôi không nắm được.

Liên quan đến việc khai thác nước dưới đất và chất thải nguy hại, ông Hoạch cho hay 02 trạm trộn bê tông đang sử dụng nước giếng khoan, không nắm bắt được đã được cơ quan chức năng cấp phép hay chưa, 02 trạm trộn bê tông không có chất thải nguy hại.

W_tram-be-tong-xa-van-canh-o-nhiem-moi-truong-14.jpg
W_tram-be-tong-xa-van-canh-o-nhiem-moi-truong-16.jpg
Chất thải nguy hại của trạm bê tông Việt Đức và 136 không được thu gom, lưu giữ theo quy định

Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược, theo ghi nhận của PV tại trạm trộn bê tông Việt Đức và 136, chất thải nguy hại như dầu thải, găng tay dính dầu…đều không được 2 trạm bê tông phân loại, lưu giữ theo quy định mà vứt lăn lóc trong kho, dầu thải lênh láng trên mặt đất.

W_be-tong-136-o-nhiem-moi-truong-2.jpg
Trạm trộn bê tông 136 còn đang lắp đặt, sử dụng cây dầu trái phép để phục vụ cho việc cấp nhiên liệu, tiềm ần nguy cơ cháy nổ.

Tại trạm bê tông 136 còn đang lắp đặt, sử dụng cây dầu trái phép để phục vụ cho việc cấp nhiên liệu, tiềm ần nguy cơ cháy nổ. Nước thải chỉ được xử lý sơ sài qua các bể lắng lọc mà không có hệ thống xử lý nước thải. Bã bê tông cũng được đổ vô tội vạ ngoài môi trường. Các xe trước khi lưu thông ra ngoài chỉ được xịt, rửa lốp qua loa nhưng từ trạm bê tông ra ngoài đường cát rơi vãi không được quét dọn thì việc xịt rửa lốp của 2 trạm bê tông gần như vô ích, không có tác dụng giảm bụi.

Trước sự việc trên, kính đề nghị Huyện uỷ, UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo UBND xã Vân Canh và phòng chức năng vào cuộc kiểm tra, yêu cầu trạm bê tông Việt Đức, 136 và Vạn Phúc nhanh chóng di dời để trả lại đất dịch vụ cho người dân. Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có dấu hiệu buông lỏng quản lý để vi phạm hoạt động kéo dài gây bức trong nhân dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hoài Đức (Hà Nội): Loạt trạm trộn bê tông hoạt động trên đất nông nghiệp và những hệ lụy về môi trường