Hội An hợp tác quốc tế tăng cường nguồn lực và kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường

Gia Hân|24/04/2022 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hợp tác quốc tế giúp TP Hội An (Quảng Nam) tăng cường năng lực tài chính, khoa học công nghệ, tiếp thu kinh nghiệm từ các nước trong công tác quản lý bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những năm qua, TP Hội An đã tranh thủ và nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Trung ương, chủ động hợp tác quốc tế. Đó là điều kiện thuận lợi và là cơ hội để tỉnh Quảng Nam triển khai các công trình, dự án về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn TP Hội An.

Hiệp hội tái chế thành phố NAHA – Nhật Bản hợp tác phân loại rác tại nguồn ở Hội An

Với sự hợp tác, tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hội An đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm về mô hình giảm thiểu rác thải cho đội ngũ cán bộ và một số doanh nghiệp, qua đó tạo sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức và hành động liên quan đến việc xử lý rác thải.

Từ năm 2017, thông qua JICA, Chính phủ Nhật Bản tài trợ công trình nhà máy xử lý nước thải tại khu vực Chùa Cầu có công suất xử lý 2.000m3/ngày đêm bằng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến sử dụng năng lượng thấp. Nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 1,1 tỷ yên Nhật (tương đương 225 tỷ đồng), vốn đối ứng của địa phương khoảng 4,2 tỷ đồng.

Công sứ Okabe Daisuke – Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, nói: “Tôi tin rằng khi dự án hoàn thành, chất lượng nước ở khu vực Chùa Cầu, nơi mà rất nhiều khách du lịch đến thăm sẽ được cải thiện. Đây là những hoạt động ghi dấu mối thâm tình giữa Hội An và Nhật Bản”.

Không chỉ vậy, với sự tài trợ của Bộ Môi trường và biến đổi khí hậu Canada, Liên Đoàn các đô thị Canada – FCM và Hiệp hội các đô thị Việt Nam – ACVN, từ năm 2018, dự án “Tăng cường quản lý chất thải rắn đô thị nhằm giảm thiểu quá trình phát sinh khí thải gây biến đổi khí hậu ở Việt Nam” đã triển khai thí điểm tại 2 thành phố Hội An và Bắc Giang.

Tháng 3/2020, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định tiếp nhận dự án này gồm 3 hạng mục chính là kiểm soát khí thải và cải tạo hoàn nguyên bãi chôn lấp, thí điểm sản xuất compost, thu gom phế liệu ở Cẩm Nam, Cẩm Hà cùng Chiến lược quản lý chất thải rắn đô thị tại Hội An.

Trong điều kiện bãi rác Cẩm Hà đã quá tải buộc phải đóng cửa, dự án là giải pháp tối ưu và bền vững trong việc tiết kiệm nguồn tài nguyên và chi phí xử lý. Về phương án hoàn nguyên và đóng cửa bãi rác chia làm 2 giai đoạn là vận chuyển một phần rác đi nơi khác, tạo điều kiện lót bạt chống thấm và thực hiện các giải pháp thu hồi khí nhà kính, sau đó triển khai các hạng mục cảnh quan và trồng cây xanh trên bãi rác.

Nói về những hiệu quả từ các chương trình, dự án hợp tác quốc tế của TP Hội An trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Minh Lý, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ: “Trước đây, thành phố đã thực hiện nhiều chính sách quản lý rác thải theo hướng 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng), tuy nhiên, hiệu quả thực hiện chưa cao, giải pháp còn nhỏ lẻ, chưa có hệ thống. Vì thế, Chiến lược quản lý chất thải rắn đô thị sẽ giúp cho thành phố nắm bắt được các định hướng về quản lý rác thải một cách bền vững”.

Còn ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Trưởng phòng TN-MT TP.Hội An cho biết, với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ… đã góp một phần trong việc tăng cường năng lực tài chính, khoa học công nghệ, tiếp cận với phương pháp luận hiện đại, tiếp thu kinh nghiệm từ các nước trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại Hội An.

Có thể kể các dự án hợp tác quốc tế đã và đang triển khai tại Hội An như: Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại miền Trung của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ; Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rừng bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn (vốn viện trợ không hoàn lại của Quỹ môi trường toàn cầu/Ngân hàng Phát triển châu Á); Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ của Cơ quan Tài nguyên thủy sản Hàn Quốc; Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển của Quỹ môi trường toàn cầu GEF; Hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và phát triển trong các khu dự trữ sinh quyển biển đảo (Cộng đồng xanh) của Đại học Plymouth – Vương quốc Anh…

Hay như dự án phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh, kè bảo vệ bờ biển Cửa Đại, kè bảo vệ khu phố cổ, nạo vét khơi thông sông Cổ Cò, nạo vét hồ Lai Nghi – Pháp Bảo.

Từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Hội An đã đầu tư xây dựng mạng lưới thu gom nước thải đô thị và hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế 6.750m3/ngày tại xã Cẩm Thanh…

“Hiện Hội An tập trung huy động kinh phí để hoàn nguyên và đóng cửa bãi chứa rác Cẩm Hà; nhân rộng mô hình phân loại rác và sản xuất phân hữu cơ tại hộ gia đình; Hoàn thành và triển khai đề án bảo vệ môi trường của thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó vấn đề quản lý rác thải bền vững quan trọng hàng đầu, từng bước hình thành hệ sinh thái tái chế của riêng Hội An, đồng thời kết nối với mạng lưới tái chế trong khu vực và cả nước” – ông Nguyễn Minh Lý cho biết.

Gia Hân


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội An hợp tác quốc tế tăng cường nguồn lực và kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường