>>Huyện Kiên Lương: Đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng lấn, chiếm rừng trái pháp luật
>>Quy Nhơn: Tiến hành nạo vét khu lấn biển
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ
Sáng 19/9, tại Thái Bình, TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình, Hội LHPN tỉnh tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2018 với chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”. Tới dự có bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cùng các đại biểu và hàng nghìn hội viên, phụ nữ Thái Bình.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyết cho biết: Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm với các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường từng bước được bổ sung, hoàn thiện, đã góp phần xử lý và giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại khu vực nông thôn đang ngày càng gia tăng, một phần do lối sống tiêu dùng nhanh, hướng đến sự tiện lợi đang tạo ra ngày càng nhiều rác thải khó phân huỷ; mặt khác sự phát triển của các cụm công nghiệp, xu thế đô thị hóa nhanh chóng và thói quen canh tác dựa vào chế phẩm hóa học đang gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước, không khí ở khu vực nông thôn.
Việc quản lý, thu gom, xử lý rác thải rắn cũng như nước thải từ sản xuất, sinh hoạt chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả và có nơi còn chưa được coi trọng đã trở thành vấn đề bức xúc ở nông thôn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của khu vực nông nghiệp và nông thôn.
Theo thống kê các vùng có lượng rác thải sinh hoạt phát sinh lớn do dân cư tập trung đông là vùng Đồng bằng sông Hồng (23%), Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung (25%), Đồng bằng sông Cửu Long (22%) và Đông Nam bộ (15%). Bên cạnh đó, việc phân loại rác thải sinh hoạt nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Rác thải không được phân loại ngay tại nguồn cũng tạo khó khăn cho công tác thu gom và xử lý. Do đó, nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen của người dân trong việc phân loại rác là việc làm quan trọng giúp giảm lượng chất thải phát sinh cũng như tăng cường hiệu quả tái chế, tái sử dụng và xử lý rác thải.
Sau buổi Lễ, các đại biểu, chính quyền, các địa phương ra quân đồng loạt để tổng vệ sinh dọc 2 bờ sông Trà Lý – thành phố Thái Bình
Do tầm quan trọng của vấn đề quản lý rác thải nông thôn trong bối cảnh cả nước thi đua xây dựng nông thôn mới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2018 tiếp tục lấy chủ đề là “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững” góp phần nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của mỗi người dân và toàn xã hội vào công tác quản lý môi trường, đặc biệt là công tác quản lý chất thải tại khu vực nông thôn.
Trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường. Nhiệm kỳ 2017 – 2022, các cấp Hội đều đăng ký các hoạt động cụ thể trong bảo vệ môi trường nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, từ năm 2010, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” trong đó tiêu chí 3 sạch là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ do Hội LHPN Việt Nam phát động đã góp phần hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường và Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới.
Tại Lễ mít tinh, Hội LHPN Việt Nam kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, các tầng lớp phụ nữ hãy cùng cam kết chung tay bảo vệ môi trường. Hãy hành động ngay hôm nay và tuyên truyền cho những người thân, bạn bè và cộng đồng cùng nhau bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực, cụ thể: Vứt rác đúng nơi quy định; vệ sinh môi trường tập trung tại khu vực bãi biển, khu vực ven bờ, tại các khu dân cư, các khu vực công cộng, đường giao thông, bờ ruộng… trong đó tập trung vào thu gom, thu hồi các sản phẩm nhựa thải bỏ, túi nilon khó phân hủy; thu gom xử lý chất thải, rác thải đặc biệt là thu gom, thu hồi các bao gói hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng; tích cực tham gia giám sát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tạo dư luận và lên án các hành động khai thác bừa bãi, phá hoại tài nguyên thiên nhiên… để cùng góp phần tạo nên sức mạnh to lớn bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp.
Sau Lễ mít tinh, các đại biểu, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở các địa phương ra quân đồng loạt để tổng vệ sinh dọc 2 bờ sông Trà Lý – thành phố Thái Bình.
Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” là một trong những sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng từ năm 1993 tại nhiều nước trên thế giới, được tổ chức vào tuần thứ 3 của tháng 9 hằng năm nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay bảo vệ môi trường.
Kiều Oanh (TH)