Hội Nhà báo Việt Nam tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

16/05/2022 09:51
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng 16/5, tại tỉnh Thanh Hóa, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tổng kết công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Đến dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng TĐKT Hội Nhà báo Việt Nam; Kiều Cao Chung, Phó vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương; Phạm Văn Đức, Phó vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Tống Văn Thanh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Đoàn Thanh Nô, Phó chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Trong khuôn khổ diễn ra Hội nghị, nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, Chi hội các cơ quan báo chí đã tham gia thảo luận về công tác nghiệp vụ, đạo đức người làm báo trong thời đại 4.0.

Tại Hội nghị, thay mặt Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Trần Trọng Dũng, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trình bày báo cáo công tác TĐKT năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Quang cảnh Hội nghị.

Báo cáo nêu rõ, năm 2021 Hội đồng TĐKT các cấp hội đã làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo hội trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thi đua, khen thưởng. Quy chế TĐKT sửa đổi, bổ sung năm 2018 giúp các cấp hội tránh được tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất; tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, hội viên về vai trò, động lực của công tác TĐKT.

Liên quan đến công tác kiểm tra, phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, năm 2021 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng xử lý vi phạm, với tư cách cơ quan thường trực của Hội đồng, Ban kiểm tra đã tiếp nhận trên 100 đơn thư tố cáo, khiếu nại phản ánh, đồng thời đôn đốc xử lý 100% đơn thư, đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp nhà báo, hội viên vi phạm pháp luật.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cũng chỉ ra một số hạn chế của các cấp hội cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập khi một số hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng xấu đến uy tiến của báo chí và tổ chức hội.

Đồng chí Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Cờ thi đua của HNBVN cho 8 đơn vị đạt danh hiệu “Tập thể xuất sắc” năm 2021.

“Không ít trường hợp hội viên, hội nhà báo vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, thậm chí có hội viên bị thu hồi thể và xử lý hình sự. Quản lý hội viên ở các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện ở một số địa phương còn bị buông lỏng, qua đó đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp nhà báo, hội viên vi phạm pháp luật”, ông Dũng nêu.

Liên quan đến vấn đề trên, tham luận tại Hội nghị, ông Đinh Anh Đức – Phó Chủ tịch Hội thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sơn La kiến nghị Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cần có chế tài cụ thể, quản lý hội viên báo chí, nhất là các phóng viên nhà báo ở các Tạp chí ở Trung ương khi về cơ sở viết tin bài hay sách nhiều, gạ gẫm quảng cáo, viết rồi ép trả tiền theo kiểu thanh lý hợp đồng, hoặc là bắt mua hàng chục đầu sách, tạp chí dày cộp…ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự, uy tín người làm báo chân chính.

Còn nhà báo Nguyễn Xuân Hồng – Trưởng phòng Thư ký tòa sạn Báo Điện tử Chính phủ – Cổng thông tin điện tử Chính phủ nêu vấn đề rèn luyên đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong thời đại 4.0. Trong đó, cần kịp thời phát hiện và có chế tài xử lý những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của cộng tác viên, phóng viên, nhà báo.

Các cơ quan nhà nước quản lý báo chí và cơ quan pháp luật cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện và xử lý nghiêm những nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp bằng nhiều hình thức là đình bản, rút giấy phép, thu hồi thẻ nhà báo, thẻ hội viên. Những hành vi vi phạm pháp luật đến mức truy tố thì xét xử nghiêm minh để tăng tính răn đe, cảnh báo với những người có ý định làm sai.

Phát huy kết quả đạt được, Hội Nhà báo Việt Nam đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 là: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, qua đó nâng cao hơn nữa nhận thức của mỗi cán bộ, hội viên về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua – khen thưởng trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội và chất lượng các cấp Hội; đẩy mạnh tuyên truyền điển hình tiêu biểu, mô hình hay, cách làm hiệu quả, bài học kinh nghiệm trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; nâng cao chất lượng khen thưởng, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc, đúng quy định; kịp thời phát hiện, chủ động biểu dương và khen thưởng nhân tố điển hình là tập thể các cấp hội, các cá nhân phóng viên, biên tập viên, người làm báo, tạo sự lan tỏa tích cực trong đội ngũ những người làm báo.

Cũng tại Hội nghị, Hội đồng Thi đua – khen thưởng Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng các danh hiệu thi đua cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2021. Theo đó, Hội Nhà báo Việt Nam tặng Cờ thi đua cho 8 đơn vị đạt danh hiệu tập thể hội xuất sắc năm 2021; tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho 15 tập thể đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc năm 2021 và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc về nghiệp vụ và xây dựng Hội năm 2021.

Giang Anh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội Nhà báo Việt Nam tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022