Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định về giao các khu vực biển

Theo Monre|11/05/2018 02:19
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ngày 10/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo đánh giá 04 năm thi hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP.

Toàn cảnh Hội thảo 

TS. Tạ Đình Thi – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và PGS.TS Vũ Sỹ Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ ngành có liên quan và đại diện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

Đánh giá 04 năm thi hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Tạ Đình Thi – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, qua 04 năm thực hiện, Nghị định 51/2014/NĐ-CP đã tạo được hành pháp lý, môi trường và điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo quy định của pháp luật, góp phần thúc đẩy kinh tế biển phát triển, có tác động tích cực góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các vùng biển được giao.

TS. Tạ Đình Thi – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Tuy nhiên, Nghị định 51/2014/NĐ-CP cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, Luật Thủy sản cũng giao Chính phủ hướng dẫn thi hành một số nội dung liên quan đến việc giao khu vực biển phục vụ công tác nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, một số vấn đề về quản lý biển tại địa phương cũng cần được xem xét, giải quyết như nhận chìm ở biển, giao vùng nước ở các cảng biển…
“Vì vậy, cần thiết xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.” – Ông Tạ Đình Thi nói.

Theo báo cáo đánh giá 04 năm thi hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP do PGS.TS Vũ Sỹ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trình bày, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP như phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-BTNMT quy định phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền sử dụng khu vực biển; Quyết định số 1909/QĐ-BTNMT ngày 8/9/2014 công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực biển và hải đảo thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quyết định số 2495/QĐ-BTNMT ngày 28/10/2016 công bố Danh mục các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều cao trung bình nhiều năm, đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm. Các văn bản đã hình thành khung pháp lý cần thiết để triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước và giao khu vực biển.

PGS.TS Vũ Sỹ Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 51/2014/NĐ-CP đạt được những kết quả nhất định; đã thay đổi tư duy, nhận thức về quản lý nhà nước về biển và hải đảo, về giao khu vực biển cũng như thay đổi nhận thức về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Từ năm 2015 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có biển đã thực hiện giao 13 khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển; góp phần thúc đẩy kinh tế biển phát triển. Đồng thời, các địa phương đã đầu tư, xây dựng mua sắm các phần mềm, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng cơ sở dữ liệu về giao khu vực biển, để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao khu vực biển, đảm bảo sử dụng tài nguyên biển tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân còn ít; chưa công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển chưa được ban hành nên chưa có cơ sở và căn cứ để giao khu vực biển; đội ngũ cán bộ, công chức và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý về giao khu vực biển còn thiếu; chưa có quy định rõ ràng về giao khu vực biển phục vụ các mục đích khác nhau như thăm dò, khai thác dầu khí, nuôi trồng thủy sản, mục đích an ninh quốc phòng…

Ông Nguyễn Quang Đức – Chi cục Trưởng Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo

Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 51/2014/NĐ-CP

Để khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định 51/2014/NĐ-CP, Bộ đã chủ động đề xuất và xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Bộ đã tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định và tiếp thu ý kiến từ các thành viên, chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng Dự thảo Nghị định lần 1.

Theo đó, Dự thảo Nghị định dự kiến có 5 chương, 35 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; quy định việc giao, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại một phần hoặc toàn bộ khu vực biển; sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển; công nhận hoạt động sử dụng khu vực biển và phương án giải quyết các tranh chấp về sử dụng khu vực biển.

Một số điểm mới của dự thảo Nghị định như: về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị định không loại trừ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển như để thăm dò, khai thác dầu khí; phục vụ nuôi trồng thủy sản; phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng.

Để giải thích từ ngữ “khu vực biển”, dự thảo cũng quy định: Khu vực biển nhất định là một phần của vùng biển Việt Nam, có ranh giới cụ thể được xác định bởi một hoặc nhiều yếu tố bao gồm nước mặt, khối nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển.

Để thống kê các loại giấy phép, dự thảo có một điều để thống kê các loại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép hoặc quyết định cho phép khai thác, sử dụng tài nguuyên biển và quy định chung là Giấy phép do các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

Ông Nguyễn Văn Cấn – Chi cục Trưởng Chi cục Biển và Hải đảo thành phố Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo\

Đối với trường hợp chưa có quy hoạch, dự thảo quy định có thể áp dụng các quy hoạch ngành, địa phương hoặc giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác định khu vực biển để có thể giao khu vực biển khi chưa có quy hoạch. Đối với khu vực biển chưa xây dựng được Bản đồ, dự thảo quy định sử dụng bản đồ địa hình đáy biển do Bộ Tài nguyên và Môi trường xuất bản hoặc trên nền hải đồ do Hải quân nhân dân Việt Nam xuất bản.

Về thẩm quyền giao khu vực biển, dự thảo Nghị định có quy định thẩm quyền giao khu vực biển gồm 03 cấp: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển; Ủy ban nhân dân cấp huyến (không còn cấp Thủ tướng Chính phủ).

Riêng đối với giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, dự thảo Nghị định có quy định trình tự thủ tục giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; điều kiện giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Dự thảo cũng quy định trình tự thủ tục cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.

Tại Hội thảo, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 51/2014/NĐ-CP đã nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến tích cực của đại diện các Bộ ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, các chuyên gia, nhà khoa học. Các ý kiến tập trung thảo luận về những vấn đề thực tiễn hiện nay có liên quan đến giao khu vực biển như: nhận chìm ở biển; giao khu vực biển cho nuôi trồng thủy sản; giao khu vực biển ở vùng nước có cảng biển; đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm…

Theo Monre

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định về giao các khu vực biển
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.