Hơn 60% diện tích đất ở Sơn La bị thoái hóa nặng

Theo Monre|22/07/2017 09:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hơn 60% diện tích đất ở Sơn La bị thoái hóa nặng

(Moitruong.net.vn) – Kết quả điều tra thoái hóa đất kỳ đầu trên địa bàn tỉnh Sơn La cho thấy, có tới 60,8% diện tích điều tra bị thoái hóa nặng, tập trung tại các huyện Sông Mã, Sốp Cộp, Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu, Bắc Yên…

Diện tích đất bị thoái hóa trung bình chiếm 20,9% diện tích điều tra, tập trung nhiều tại huyện Phù Yên, Mường La, Mộc Châu… Diện tích đất bị thoái hóa nhẹ chỉ khoảng hơn 10%.

Theo ông Phạm Văn Thi, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La: Trước thực trạng thoái hóa đất diễn ra nghiêm trọng ở các tỉnh miền núi phái Bắc, Bộ TN&MT đã báo cáo Chính phủ để triển khai chương trình điều tra thoái hóa đất trên phạm vi toàn quốc, trong đó, Sơn La được tiến hành đánh giá trong giai đoạn này. Dự án được thực hiện từ cuối 2015.

Đại diện Trung tâm Điều tra, Đánh giá Tài nguyên đất, Tổng cục Quản lý đất đai, đơn vị thực hiện Dự án đã tóm tắt kết quả dự án Điều tra thoái hóa đất kỳ đầu tỉnh Sơn La. Theo đó, phạm vi điều tra thoái hóa đất kỳ đầu nằm trên địa bàn 12 huyện, thành phố; đối tượng điều tra gồm toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp (trừ diện tích đất rừng đặc dụng) và đất đồi núi chưa sử dụng. Như vậy, theo số liệu thống kê năm 2015, tổng diện tích điều tra thoái hóa đất lần đầu tỉnh Sơn La là 1.274.735 ha.

Kết quả điều tra thoái hóa đất tỉnh Sơn La được thực hiện kỳ đầu vào năm 2016, sẽ giúp UBND tỉnh và cơ quan quản lý đất đai của tỉnh nắm chắc diện tích đất bị thoái hóa, nguyên nhân thoái hóa đất, từ đó đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng đất bền vững. Ngoài ra, kết quả dự án sẽ cung cấp dữ liệu về thực trạng thoái hóa đất của cấp tỉnh để tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh và cả nước, góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai hiện đại, theo mô hình tập trung, thống nhất, phục vụ đa mục tiêu.

Tài nguyên đất tỉnh Sơn La khá đa dạng với 24 loại đất thuộc 7 nhóm đất, trong đó chủ yếu là nhóm đất đỏ vàng và nhóm đất mùn đỏ vàng.

Kết quả điều tra, tổng diện tích đất bị thoái hóa trên địa bàn tỉnh là 1.173.422 ha, chiếm 92,05% tổng diện tích điều tra. Trong đó, có tới 60,8% diện tích điều tra bị thoái hóa nặng, tập trung tại các huyện Sông Mã, Sốp Cộp, Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu, Bắc Yên… Diện tích đất bị thoái hóa trung bình chiếm 20,9% diện tích điều tra, tập trung nhiều tại huyện Phù Yên, Mường La, Mộc Châu… Diện tích đất bị thoái hóa nhẹ chỉ khoảng hơn 10%.

Phân theo loại hình thoái hóa cho thấy, có 73,9% diện tích đất điều tra bị xói mòn do mưa, chủ yếu tại các huyện Sốp Cộp, Sông Mã, Bắc Yên, Mường La… Diện tích đất bị khô hạn chiếm tới 96,94% diện tích điều tra, trong đó, đất bị khô hạn mức nặng tập trung nhiều tại huyện Sông Mã, Mai Sơn, Vân Hồ… Diện tích đất bị suy giảm độ phì chiếm 64,39% diện tích điều tra, trong đó, diện tích đất bị suy giảm độ phì mức nặng chiếm 5%, tập trung tại huyện Thuận Châu, Phù Yên, Mai Sơn…

Các mục đích sử dụng đất khác nhau có mức độ, loại hình thoái hóa khác nhau, như: Đất sản xuất nông nghiệp có 355.247ha bị thoái hóa; đất lâm nghiệp có 555.103ha bị thoái hóa, chiếm 91,34% diện tích đất lâm nghiệp. Đất chưa sử dụng có 263.072ha bị thoái hóa. Các địa phương khác nhau có diện tích đất thoái hóa có mức độ khác nhau, thoái hóa mức nặng tập trung tại Sông Mã, Sốp Cộp, Mai Sơn và Yên Châu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa đất được cho là do ảnh hưởng từ khí hậu khắc nghiệt và biến đổi khí hậu; ảnh hưởng của địa hình tỉnh Sơn La. Về nguyên nhân từ sử dụng đất của con người, công tác quản lý đất đai trước đây không được quan tâm đúng mức, tình trạng vi phạm pháp luật như lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép không kiểm soát được hết. Tình trạng không sử dụng hoặc sử dụng không hết, sử dụng không hiệu quả của các tổ chức và cá nhân chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác quản lý, khai thác tài nguyên rừng có những hạn chế nhất định, gây ảnh hưởng đến quá trình thoái hóa đất…

Trong thời gian tới, nhóm thực hiện dự án đã đề xuất các biện pháp quản lý đất đai bền vững, góp phần giảm thiểu thoái hóa đất thích ứng BĐKH; nhóm giải pháp về giảm thiểu xói mòn trên đất dốc như kiên quyết ngăn chặn canh tác trồng cây hàng năm trên đất dốc trên 30 độ…; giải pháp về thủy lợi như xây dựng các công trình điều hòa nguồn nước ở khu vực có nguy cơ thiếu nước trong tương lai…; các mô hình bảo vệ và cải tạo đất như canh tác theo đường đồng mức, phát triển mô hình nông lâm kết hợp…; nhóm giải pháp sử dụng đất cho các tiểu vùng như vùng dọc Quốc lộ 6, vùng sông Đà, vùng cao biên giới…

Theo Monre


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hơn 60% diện tích đất ở Sơn La bị thoái hóa nặng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.