Ngày 9/11, hơn 70 quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia ở châu Mỹ, châu Phi và châu Á, đã ký cam kết giảm lượng thực phẩm lãng phí do việc bảo quản lạnh kém.
Các quốc gia trên đã ký cam kết này tại hội nghị thường niên của Nghị định thư Montreal, diễn ra tại trụ sở của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ở Rome, Italy.
Tại hội nghị này, các bộ trưởng, quan chức chính phủ và chuyên gia cùng thảo luận về việc xây dựng những quy định đối với các hóa chất được sử dụng trong các tủ lạnh và hệ thống điều hòa không khí có thể gây hại cho tầng ozone.
Ước tính, khoảng 1/3 lượng thực phẩm của thế giới bị hỏng hoặc lãng phí và các nước hy vọng phát triển các phương thức lưu trữ tốt để bảo quản và vận chuyển thực phẩm sẽ giúp giảm thiểu tình trạng trên.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, lượng nước dùng trong quá trình sản xuất thực phẩm lãng phí có thể tương đương với lượng nước hàng năm chảy dọc sông Volga – con sông lớn nhất tại Châu Âu. Lượng năng lượng phục vụ quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và đóng gói thức ăn lãng phí tạo ra 3,3 tỷ tấn CO2.
Khả năng trữ lạnh kém dẫn tới tình trạng khoảng 9% thực phẩm bị hỏng ở các nước phát triển và 23% ở các nước nước phát triển – nơi hàng triệu người phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn.
Việc cải thiện khả năng lưu trữ thực phẩm sẽ giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các khí có hại đối với môi trường.
Ngọc Linh (t/h)